Đổi thay ở Đào Thịnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/9/2017 | 12:02:37 PM

YBĐT - Sau hơn 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mớ, Đào Thịnh đã có trên 100 hộ hiến đất mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới. 

Cán bộ xã Đào Thịnh kiểm tra chất lượng tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn 5.
Cán bộ xã Đào Thịnh kiểm tra chất lượng tuyến đường giao thông nông thôn tại thôn 5.

Trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên vẫn là xã xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao…

Xác định rõ việc thực hiện xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động, để cho mọi người thấy được rõ vai trò và trách nhiệm trong việc triển khai XDNTM. Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Phát triển nông thôn; phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, xây dựng đồ án quy hoạch phù hợp với từng thôn, hoạch định các bước đi phù hợp vững chắc theo từng tiêu chí cho từng năm với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, triển khai đến 7 thôn và 100% số hộ dân.
 
Đồng chí Đỗ Văn Thức – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: " Đào Thịnh có 794 hộ với 8 dân tộc sinh sống, nhân dân đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. Bởi vậy, ngay sau khi xã được huyện chọn làm điểm về xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể đã nhất trí, đồng lòng rất cao; nhân dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, tham gia ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn… Xã thực hiện quan điểm chỉ đạo là lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm động lực; lấy lợi ích của nhân dân làm điểm tương đồng; lấy mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội làm nội dung, lấy sự tiến bộ nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân làm mục đích; lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân. Với ý chí quyết tâm cao, tháng 11 năm 2016, xã đã hoàn thành các tiêu chí về XDNTM”.
 
Các đồng chí lãnh đạo xã đã đưa chúng tôi đi thăm các thôn 4, 5, 6… con đường bê tông rộng rãi, hai ô tô tránh nhau dễ dàng. Trong thời buổi đất đai ngày càng có giá trị, nhưng người dân dọc hai bên đường đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường theo tiêu chí NTM. Hộ ít thì vài mét, hộ nhiều tới hơn trăm mét.
 
Anh Nguyễn Văn Khát ở thôn 4, tâm sự: "Người dân trong thôn đều thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả khi phải đi lại trên những con đường đất nắng bụi, mưa lầy trước đây. Từ khi được xã tuyên truyên vận động, 100% số hộ ở mặt đường tự nguyện hiến đất ngay. Để có con đường như ngày hôm nay, nhà nhiều thì tham gia trên 200 ngày công, hộ ít cũng trên 100 ngày công. Bây giờ, nông sản được thương lái đến tận nhà mua, giá cao hơn trước. Đường tốt, đời sống nhân dân khấm khá hơn trước…”.
 
Chị Nguyễn Thị Nhung, thôn 5 thì cho biết: "Gia đình tôi là cơ sở mua bán và chế biến các sản phẩm từ cây quế. Vào thời điểm thu mua đường đi lại trơn trượt nguy hiểm, các phương tiện vận chuyển không thu mua được, ảnh hưởng tới thu nhập cũng như việc làm của gần 10 nhân công lao động. Từ khi tuyến đường này được bê tông, người dân trong thôn ai cũng vui mừng phấn khởi, từ đó và việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn, trong 3 năm gần đây, hàng năm doanh thu của gia đình trung bình đạt trên 200 triệu đồng…”.
 
Điểm nổi bật sau hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM của Đào Thịnh là xã đã có trên 100 hộ hiến đất mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới. Nhân dân còn tự nguyện phá bỏ nhiều diện tích tường rào xây và cây cối các loại. Các tổ chức đoàn thể cùng với nhân đóng góp gần 20.000 ngày công lao động để mở rộng, kiên cố hóa mặt đường và kênh mương nội đồng, xây nhà văn hóa thôn…
 
Tổng kinh phí huy động thực hiện trên 66,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trên 32 tỷ đồng; doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng 20,4 tỷ đồng; nhân dân trên 14 tỷ đồng. Hiện nay, đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa và bê tông đạt 100%; đường trục thôn, xóm được cứng hóa trên 50%; đường ngõ, xóm được cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%.
 
Cơ sở vật chất văn hóa, 100%  thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Các tiêu chí khác như: điện, trường học, chợ nông thôn, nhà ở dân cư… đều đạt các tiêu chí đề ra. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Đào Thịnh đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%...

Đào Thịnh hôm nay là những con đường bê tông, rải nhựa rộng rãi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, là những dãy nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại đang mọc lên; các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và các hoạt động thương mại khá sôi động – nông thôn mới đã đem lại một diện mạo mới cho nông thôn Đào Thịnh.

Thạch Phong

Các tin khác
Cán bộ đoàn thể thôn, xã thăm mô hình nuôi thỏ New Zealand cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

YBĐT - Là xã thuần nông, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Người dân địa phương trao đổi mua bán tại chợ Lâm Thượng.

YBĐT - Trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí số 7 về chợ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. 

Nhờ được hỗ trợ sản xuất, gia đình anh Bùi Văn Thanh thôn Cửa Ngòi, xã An Thịnh đã vươn lên làm giàu từ nuôi ong lấy mật.

YBĐT - Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, ngoài 3 xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới là: Đại Phác, Yên Hưng, Yên Thái thì trong năm 2017 huyện tiếp tục có thêm 3 xã cán đích nông thôn mới (An Thịnh, Yên Phú và Yên Hợp). Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, chỉ đạo bài bản và sự vào cuộc tích cực của người dân, đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

YBĐT - Xã đã làm mới và nâng cấp 26 công trình đường giao thông nông thôn, 7 công trình thủy lợi, xây dựng một số công trình phòng học và các phòng chức năng, xây dựng 5 nhà văn hóa thôn và 1 nhà đa năng.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục