An Bình đoàn kết xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/11/2018 | 11:09:02 AM

YBĐT - Đến xã An Bình, huyện Văn Yên trong những ngày đầu đông, chúng tôi cảm nhận được ở nơi đây bầu không khí hăng hái thi đua lao động sản xuất. Những nỗ lực ấy của bà con là ra sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hướng tới mục tiêu đưa An Bình "cán đích” nông thôn mới vào đầu năm 2019.

Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của nhân dân, ngày càng nhiều những con đường ở An Bình được bê tông hóa sạch đẹp.
Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của nhân dân, ngày càng nhiều những con đường ở An Bình được bê tông hóa sạch đẹp.

Đứng trên con đường bê tông sạch đẹp, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cầu Cao - Trần Đức Sơn chỉ tay về phía ta - luy ngay cạnh mặt đường phấn khởi cho hay: "Con đường cũ trước đây chính là chỗ cao vượt cả đầu người chúng ta đang đứng đấy! Đường mòn lại dốc. Mỗi khi trời mưa đất nhão chẳng khác gì bùn. Chỗ cao vậy đã đành, dưới chỗ trũng nước ứ đọng, có nơi ngập đến đầu gối, không thể đi lại được. Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, được sự nhất trí, đồng lòng chung sức của nhân dân, con đường liên thôn được san ủi, hạ thấp, hoàn thành bê tông hóa vào tháng 10/2018 giúp bà con đi lại thuận tiện. Ai nấy đều rất vui mừng”. 

Con đường mòn trước đây đi lại khó khăn là thế, ấy vậy mà ban đầu khi vận động nhân dân bà con đắn đo nhiều lắm. 

Với phương châm tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu”, phát huy vai trò người đứng đầu, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng đã tiên phong, gương mẫu hiến đất trước để bà con thấy đó mà làm theo. Đích thân cán bộ xã, thôn "đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, vận động, giúp bà con hiểu rõ họ mới thực sự là người làm chủ, người được hưởng lợi nhiều nhất từ XDNTM. Vượt qua những khó khăn ban đầu ấy, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động phong trào hiến đất làm đường ở thôn Cầu Cao càng về sau càng thuận lợi. 

Một trong những người đầu tiên tình nguyện hiến hơn 200 m2 đất để làm đường ở thôn Cầu Cao chính là ông Trần Văn Cường, ông chia sẻ: "Tìm hiểu kỹ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về XDNTM, chúng tôi mới "vỡ” phương châm của XDNTM người dân chính là chủ thể, trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ, tiền bạc để thực hiện. Dân làm, dân hưởng, cấp trên chỉ định hướng, hỗ trợ mà thôi”. 

Đối với người dân thôn Cầu Cao nói riêng và xã An Bình nói chung, trồng rừng là chủ lực trong phát triển kinh tế. Thế nên, mỗi tấc đất ở An Bình giống như mỗi "tấc vàng”. 

Song, để XDNTM, lại được cán bộ tuyên truyền, vận động nên các hộ hiểu và đều tự giác tham gia. Hộ ít thì hiến vài chục mét vuông đất; hộ nhiều hơn hiến tới hàng trăm mét đất không ngại ngần, quả thật rất đáng khích lệ. Hơn 200 m2 đất đã hiến đi, ven con đường mới, ông Cường trồng mấy hàng thanh long ruột đỏ xen kẽ các loại cây ăn quả khác như: nhãn, táo, bưởi, vừa giúp phát triển kinh tế, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 

Ông Cường cho biết thêm: "Có con đường đẹp như thế này, việc giao thương càng thuận lợi, lũ trẻ đi học không còn phải cõng qua, thậm chí là phải nghỉ học vì đường quá lầy lội mỗi khi trời mưa. Chỉ riêng hiến đất, đã có thể đóng góp thiết thực cho XDNTM, tôi vui và tự hào lắm!”. 

Phong trào hiến đất làm đường không chỉ lan tỏa mạnh mẽ ở thôn Cầu Cao mà còn được nhiều hộ gia đình tiêu biểu ở các thôn khác học tập làm theo như gia đình ông Nguyễn Lê Tuấn, thôn Hoa Nam hiến 180 m2 đất ruộng; bà Trần Thị Thích, thôn Trái Hút hiến 200 m2 đất vườn; ông Nguyễn Văn Chờ, thôn Khe Măng hiến gần 120 m2 đất… 

Được biết, hiện toàn xã An Bình đã hoàn thành hơn 7 km bê tông hóa đường liên thôn với giá trị đóng góp của nhân dân bằng tiền và ngày công lao động trên 1 tỷ đồng. 

Bên cạnh phong trào hiến đất làm đường sôi nổi, việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cũng được Đảng bộ xã An Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng. Là người duy nhất đến thời điểm này ở xã kinh doanh xưởng bóc gỗ ván ép, anh Tạ Hoàng Bắc, thôn Khe Trang là người chăm chỉ, không ngừng nỗ lực, tìm tòi, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh doanh hàng hóa. Sinh năm 1977, từ nhỏ, anh Bắc đã quen đi rừng, gắn bó với cây gỗ, hơn 20 năm qua, anh luôn duy trì 10 ha rừng trồng. 

Năm 2015, anh Bắc chính thức bắt tay đầu tư nhà xưởng bóc gỗ ván ép và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Liên tục phát triển, mở rộng quy mô nhà xưởng lên tới 3.000 m2, hiện anh Bắc còn tạo thu nhập, việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/tháng; mỗi năm trừ chi phí cho thu về 120 - 150 triệu đồng. 



Xưởng bóc gỗ ván ép của anh Tạ Hoàng Bắc (bên trái), thôn Khe Trang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã An Bình còn định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xóa đói giảm nghèo, tiêu biểu như: mô hình nuôi từ 10 con trâu, bò trở lên của anh Triệu Văn Tấn và anh Đặng Văn Trung ở thôn Khe Rồng; mô hình trồng gần 1 ha ổi của anh Trần Thế Dân, 1 ha trồng nhãn của anh Cao Thành Đô; mô hình trồng tre măng Bát độ của anh Nguyễn Văn Nam, thôn Khe Măng và Huỳnh Cao Đại thôn Cầu Cao…

Có được những kết quả như trên trong XDNTM, Đảng bộ xã An Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao vai trò, khả năng sáng tạo, gương mẫu của từng cá nhân cấp ủy viên trong xây dựng tập thể Đảng bộ vững mạnh. Sức mạnh ấy được Đảng bộ xã vận dụng linh hoạt vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Ông Nguyễn Trọng Tuynh - Bí thư Đảng ủy xã An Bình khẳng định: "Thời gian qua, bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân trong xã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cơ chế thực hiện XDNTM, chúng tôi còn có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực vận động nhân dân xây dựng các công trình hạ tầng, tham gia giám sát; quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, duy trì nhiều mô hình bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự"…

"Nhờ đó, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (gần 36%), khi bắt tay vào XDNTM (năm 2010) đến nay đã giảm còn 11,5%. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 12 triệu đồng năm 2010 lên 30 triệu đồng năm 2018; tỷ lệ nhà dột nát giảm từ hơn 20% xuống dưới 3%; trong xã không có trẻ em bỏ học, không có trẻ em suy dinh dưỡng…”. Ông Tuynh nói.

Với 14/19 tiêu chí đã hoàn thành, An Bình dự kiến "cán đích” NTM đầu năm 2019. Đến An Bình những ngày này, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những tuyến đường bê tông do các chi hội: phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên tự quản; những tuyến đường sạch đẹp nhờ sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân trong xã; không khí sôi nổi trong thi đua lao động; những mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh… 

Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, Đảng bộ xã An Bình đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lãnh đạo nhân dân xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mai Linh

Các tin khác

YBĐT - Kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. 

Nông dân Văn Phú phát triển sản xuất rau sạch gắn với thị trường thành phố.

YBĐT - Trung tuần tháng 11, thóc đã vào bồ, rau màu, đậu đỗ đã thắm đồng làng, người dân xã Văn Phú, thành phố Yên Bái hân hoan chào đón sự kiện xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều hoạt động tươi vui và ý nghĩa.

Xây dựng nông thôn mới đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

YBĐT - Năm 2018, Yên Bái phấn đấu có trên 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, các địa phương đang nỗ lực để hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

YBĐT - Năm 2016 xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ đó, xã luôn cố gắng thực hiện các giải pháp duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục