Bước vào xây dựng NTM giai đoạn 2, xã Báo Đáp đang nỗ lực duy trì và nâng cao các tiêu chí để được công nhận xã NTM mới kiểu mẫu vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, Báo Đáp xác định lấy tiêu chí thu nhập làm tiêu chí cốt lõi thực hiện đầu tiên, trong đó, chú trọng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm là một hướng phát triển kinh tế mũi nhọn.
Gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm đã chục năm nay, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn 13, xã Báo Đáp nhờ đó mà ngày càng khấm khá hơn. Với 1,8 mẫu diện tích trồng dâu, trong đó, một nửa diện tích là đất ruộng kém hiệu quả, ông chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.
Theo tính toán của ông Vinh, 1 sào dâu có thể đem về nguồn thu khoảng 4 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô. Hiện tại, mỗi lứa ông Vinh nuôi 30 vòng tằm giống và 2 vòng tằm ăn rỗi, bằng cách cung ứng giống cho khoảng 20 hộ trong và ngoài xã đã giúp gia đình ông Vinh có nguồn thu ổn định khoảng 60 triệu đồng/năm.
Nếu như năm 2015, cả xã Báo Đáp mới chỉ có 38 ha dâu thì đến nay diện tích này đã tăng lên 84 ha. Mỗi năm, nghề trồng dâu nuôi tằm đem về nguồn thu khoảng 10 tỷ đồng cho người dân. Chính hiệu quả từ nghề này là mục tiêu để Báo Đáp lựa chọn dâu tằm làm cây chủ lực phát triển kinh tế.
Đây cũng là cơ sở để xã mở rộng diện tích, dần dần hình thành vùng chuyên cung cấp nguyên liệu, hướng tới hình thành hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định hơn cho người dân.
Bên cạnh cây dâu tằm, xã Báo Đáp còn chú trọng phát triển các lĩnh vực kinh tế có lợi thế ở địa phương.
Trước đây, gia đình bà Nghiêm Thị Thuận, khu phố Hóp được biết đến là hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn ở địa phương. Sau nhiều thăng trầm với giá lợn lên xuống bấp bênh, bà Thuận đã giảm dần quy mô nuôi lợn để chuyển hướng kết hợp chăn nuôi gà.
Năm 2017, nhận thấy thị trường về giống gà Minh Dư rộng mở, bà Thuận đã đầu tư nuôi 2.500 con gà. Sau lứa xuất chuồng đầu tiên, gia đình bà cũng có lãi gần 100 triệu đồng.
Theo bà Thuận thì nuôi gà mặc dù vẫn phải phụ thuộc thị trường nhưng ít khi giá gà bị giảm sâu như giá lợn, kinh phí đầu tư cũng ít tốn kém hơn nên rủi ro thấp hơn, công chăm sóc cũng đơn giản hơn. Hiện nay, gia đình bà đang liên kết với các hộ chăn nuôi gà ở huyện Trấn Yên nên đầu ra ổn định hơn.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, tận dụng tuyến đường tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang với chiều dài 6 km chạy qua địa phận của xã, Báo Đáp có hơn 30 cửa hàng kinh doanh, dịch vụ. Gia đình anh Trần Công Sơn ở thôn Đồng Gianh là một trong những hộ biết tận dụng khai thác triệt để lợi thế này.
Trước sự cạnh tranh gay gắt về thị trường, anh Sơn đã liên kết với các hộ cùng ngành nghề để hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, mà đại lý cung cấp vật liệu xây dựng của anh cung cấp ra thị trường khoảng 8 tấn hàng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 9 lao động, thu nhập hàng năm cũng đạt trên 100 triệu đồng.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cho biết: tiêu chí thu nhập là 1 trong những tiêu chí "mềm” dễ rơi vào tình trạng không bền vững. Bởi vậy, lựa chọn tiêu chí này là tiêu chí đầu tiên cần thực hiện khi hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu là chủ đích có sự tính toán của chính quyền xã Báo Đáp.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,6%. Thực tiễn cũng cho thấy, người dân có thu nhập tốt sẽ tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Qua đó, bằng cách vừa khuyến khích các ngành nghề cho thu nhập ổn định, tạo được việc làm thu nhập tại chỗ cho người dân như trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi hàng hóa, vừa tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ là cách mà chính quyền xã Báo Đáp đang áp dụng để khai thác tối đa lợi thế của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu Phượng (Trung tâm TT và VH Trấn Yên)