Đồng chí Hà Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã luôn chú trọng thực hiện triệt để nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; coi trọng vai trò làm chủ của nhân dân, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận người dân; tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Cùng đó, xã phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới", nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến.
Là xã thuần nông nên Chấn Thịnh đã tập trung chỉ đạo nhân dân sản xuất theo hướng hàng hóa, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất tập trung như lúa, chè, cây lấy gỗ, quế, cây ăn quả. Xã cũng vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm quy mô theo hướng hàng hóa, mở mang các ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, xã đã duy trì trên 233 ha lúa 2 vụ với cơ cấu 70% diện tích là giống lúa thuần chất lượng cao, 30% là giống lúa lai; tập trung thâm canh chăm sóc 290 ha chè; phát triển 1.600 ha cây lâm nghiệp và cây lấy dầu. Từ năm 2012 – 2019, nhân dân đã chuyển đổi cây trồng thay thế những diện tích đất chè kém hiệu quả chuyển sang trồng cam, bưởi, chanh, đến nay, đã đạt diện tích 98 ha trên toàn xã. Nhiều vườn cam đã cho thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/ha.
Nhận thức đúng về kinh tế thị trường, nhân dân đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, trong xã hiện nay đã có 30 hộ chăn nuôi lợn thịt từ 50 - 200 con/lứa, 20 hộ có số trâu, bò từ 10 con trở lên cung cấp thực phẩm ra thị trường tại chỗ và các thị trường lân cận, hiện nay đã có hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí thu về từ 400 - 500 triệu đồng/ năm.
Trong 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xã đã huy động gần 97 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 11 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa.
Những năm gần đây, trên địa bàn xã đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 52%, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn 47%, số hộ kinh doanh cá thể năm 2011 chỉ có 36 hộ, đến nay đã có 110 hộ, trong đó đã phát triển 3 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 4 cơ sở sản xuất gạch không nung, 4 cơ sở doanh nghiệp hợp tác xã sản xuất chế biến chè, 30 hộ trồng dâu nuôi tằm.
Nhân dân tích cực thực hiện tốt quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên đời sống được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo từ 36% năm 2011, giảm xuống còn 8,11% năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 34,2 triệu đồng/người. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường đáp ứng yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thanh Tân