Khi khảo sát hiện trạng vào năm 2011, xã mới đạt 5/19 tiêu chí. Ngoài ra còn có các khó khăn đối với địa phương này: diện tích rộng, dân số đông với 1/3 là đồng bào dân tộc thiểu số, điểm xuất phát thấp.
Từ thực tế, phương châm hành động của Đảng ủy, chính quyền xã là tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau. Dù dễ hay khó thì quan trọng nhất phải tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí của nhân dân. UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Địa phương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông nghiệp được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, trong những năm qua, Lâm Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, các dự án phát triển kinh tế của tỉnh, của huyện. Các hộ gia đình tích cực tham gia phát triển các mô hình kinh tế, thành lập các tổ, nhóm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau vươn lên làm giàu.
Lâm Giang chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện mở 17 lớp đào tạo nghề cho 510 học viên về: chế biến gỗ rừng trồng, chăn nuôi thú y, sửa chữa điện dân dụng, trồng bưởi, quản lý và phát triển trang trại, trồng nấm rơm. Nhiều học viên sau đào tạo đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo các mô hình: chăn nuôi, trồng nấm, sửa chữa điện dân dụng…
Địa phương cũng chú trọng lựa chọn các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất như: trồng chuối, trồng bưởi ghép, liên kết sản xuất 700 ha sắn theo chuỗi với Nhà máy Sắn Văn Yên… Trên địa bàn xã hiện có 1.450 con trâu và bò, duy trì 44 mô hình chăn nuôi. Người dân đã biết tận dụng nguồn phân, rơm rạ để ủ phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.
Dựa trên tiềm năng, lợi thế của các thôn, Lâm Giang quy hoạch và chia làm 3 vùng phát triển kinh tế. Vùng 1 đối với các thôn: Trục Ngoài, Trục Trong, Khay Dạo, Ngòi Cài phát triển cây lâm nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc. Vùng 2 phát triển cây ăn quả khoảng 150 ha gồm các thôn: Thọ Lâm, Phú Lâm, Phúc Linh. Vùng 3 phát triển cây màu truyền thống như ngô, đậu, sắn... tập trung tại các thôn: Vĩnh Lâm, Bãi Khay, Khe Bút, Ngũ Lâm, Hợp Lâm.
Song song, xã tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng, tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Số hộ kinh doanh cá thể của xã hiện có 180 hộ, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Hoạt động của 2 doanh nghiệp tư nhân, 1 hợp tác xã, 6 xưởng chế biến gỗ trên địa bàn đã tạo việc làm thường xuyên cho 60 - 80 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Lâm Giang đạt 30,2 triệu đồng.
Địa phương tập trung hỗ trợ, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững đồng thời để có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau 7 năm xây dựng NTM, nhân dân Lâm Giang đã đóng góp trên 97 tỷ đồng trong tổng số hơn 140 tỷ đồng nguồn lực đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Lịch - Bí thư Chi bộ thôn Phúc Linh cho biết: "Trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, Chi bộ thôn đều có nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM theo 19 tiêu chí. Trong đó, các đảng viên tập trung thảo luận vấn đề mấu chốt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”.
Đến nay, thôn Phúc Linh có nhiều thay đổi với hệ thống đường giao thông, điện đường chiếu sáng, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Đó cũng là diện mạo mới ở Lâm Giang - xã vùng cao đầu tiên đạt chuẩn NTM của huyện Văn Yên.
Nguyễn Thơm