Nông thôn mới - đổi thay diện mạo vùng cao Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/10/2019 | 1:13:31 PM

YênBái - Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn, công nghiệp, đô thị, nông thôn của tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đồng bộ. Kết cấu hạ tầng thiết yếu của tỉnh được củng cố.

Nuôi gà đen giống bản địa - mô hình gia trại được nông dân vùng cao lựa chọn phát triển kinh tế.
Nuôi gà đen giống bản địa - mô hình gia trại được nông dân vùng cao lựa chọn phát triển kinh tế.

Với xuất phát điểm thấp của tỉnh miền núi, trong đó có 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong 85 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 56,24%, với 81 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỉnh Yên Bái bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt với sự đồng thuận chung sức của người dân nông thôn, từ thành phố đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. 

33% số xã của tỉnh đã đạt chuẩn NTM là thành quả bước đầu cho người dân Yên Bái thêm tin tưởng vào chủ trương lớn của Đảng và cách làm đúng đắn, phù hợp và hiệu quả của tỉnh. 

Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM tại vùng núi và DTTS được triển khai thực hiện, điều không khó để nhận ra, đó là hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn, công nghiệp, đô thị, nông thôn của tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đồng bộ. Kết cấu hạ tầng thiết yếu của tỉnh được củng cố. 

Đến nay, 100% đường từ huyện về trung tâm các xã được cứng hóa; đường tới 100% số bản đã bảo đảm đi được xe máy trong mùa khô, trong đó, đến năm 2018, 833/1.213 thôn, bản có đường giao thông đi lại được bốn mùa, đạt 70%. 

Trên 90% số xã có hạng mục công trình thủy lợi nhỏ, đảm bảo ổn định phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp; 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được dùng điện đạt 97%; tỷ lệ trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về y tế chiếm trên 35%; 100% số xã có điểm bưu điểm văn hóa xã, được phủ sóng phát thanh, truyền hình; gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh; 89% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 78% số phòng học được kiên cố hóa. 

Cùng đó, hệ thống chợ, trung tâm thương mại vùng dân tộc, miền núi được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy mở rộng giao lưu, tiêu thụ hàng nông sản, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải hiện, nâng cao. Trung bình hàng năm, gần 7.000 lao động là người DTTS được tỉnh quan tâm đào tạo, dạy nghề. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, tạo động lực để người dân vươn lên xóa nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp và vùng cao. 

Tính riêng giai đoạn 2012 - 2018, tỉnh huy động nguồn lực từ nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng DTTS, miền núi, tổng kinh phí trên 1.536 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS qua từng giai đoạn đã giảm nhanh, trung bình từ 5 - 7%. 

Nhìn vào kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình thấy rất rõ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đối với nhiệm vụ trọng tâm này. Nội dung XDNTM đã được cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, kế hoạch chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. 

Hệ thống văn bản thực hiện được ban hành đồng bộ, tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách để giải quyết những vấn đề xã hội quan tâm như môi trường, giao thông, phát triển sản xuất… huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận chung tay góp sức của người dân. 

Các chính sách đã có tác dụng mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa trong vùng đồng bào DTTS, động viên đồng bào phát huy nội lực cùng với hỗ trợ của Nhà nước nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 

Được biết, đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 33%. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh tính đến hết tháng 6/2019 đạt 13,69 tiêu chí/xã, tăng 7,9 tiêu chí/xã so với năm 2011, tăng 2,4 tiêu chí/xã so với giai đoạn 2011 - 2015. Với tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM như trên, đảm bảo đủ khả năng hết năm 2020, Yên Bái đạt con số bình quân tiêu chí là 14,6 tiêu chí/xã, cao hơn mục tiêu mà tỉnh đặt ra. 

Bài học kinh nghiệm từ thành công trong XDNTM được tỉnh đúc kết, khẳng định: đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong nông thôn, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị; do vậy, trong thực hiện cần phát huy vai trò sức mạnh của các cấp, ngành, toàn thể nhân dân. 

Cần có cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện của tỉnh cũng như của từng địa phương, có lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên; đặc biệt là giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm, tạo được sự tham gia hưởng ứng, cộng đồng trách nhiệm của nhân dân… 

Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu có 70/157 xã đạt chuẩn NTM, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 14,26 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Năm 2020, phấn đấu xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn huyện NTM; thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành XDNTM. 

Những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đã được tỉnh chỉ ra đối với từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình XDNTM trung hạn tăng khoảng 10 - 20% so với tổng giai đoạn 2016 - 2020. 

Theo đó, tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tích hợp các chính sách phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao với chính sách theo chỉ tiêu phân định vùng DTTS và miền núi về trình độ phát triển; ban hành tiêu chí kịp thời theo giai đoạn để các chính sách áp dụng cho phù hợp. Xem xét, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện thôn NTM kiểu mẫu, mô hình vườn - ao  - chuồng, rừng - vườn - ao - chuồng kiểu mẫu, thôn đạt chuẩn NTM tại các xã nghèo, xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh. 

Việc chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất "cho không”, sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tự vươn lên thoát nghèo cần được Chính phủ ưu tiên quan tâm theo các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người DTTS, giảm nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững.

Minh Thúy

Tags nông thôn mới

Các tin khác
Một khu dân cư xã nông thôn mới Hòa Cuông hôm nay.

Hòa Cuông là xã thứ 17 của huyện Trấn Yên cán đích nông thôn mới.

Người dân xã Đại Minh tập trung phát triển kinh tế, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập.

Đại Minh, huyện Yên Bình là 1 trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong tỉnh được chọn để xây dựng xã NTM kiểu mẫu và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhất cho các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tối 18-10, tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự Lễ vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các quyết định công nhận một số địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục