Ông Lương Tùng Mậu - Bí thư Chi bộ thôn Loan Phượng, xã Tân Hương phấn khởi cho biết: "Thôn tôi có 163 hộ và trước đây là thôn nghèo, đường giao thông đi lại khó khăn, không có nơi sinh hoạt cộng đồng, tỷ lệ hộ nghèo trên 10%. Thực hiện phong trào xây dựng NTM người dân đã chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, làm mới được đường giao thông, xây dựng điện đường thắp sáng, tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu cây trồng vật nuôi; đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn 5,5%".
Tân Hương là xã vùng 2 của huyện Yên Bình; toàn xã có 1.871 hộ với trên trên 7.100 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55% sinh sống tại 11 thôn. Khi bắt tay vào xây dựng NTM xã mới đạt 3/19 tiêu chí.
Trên cơ sở xác định những khó khăn đó, Đảng bộ xã ban hành nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và cán bộ, công chức xã; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, vai trò của cộng đồng từ khâu quy hoạch, huy động mọi nguồn lực vào xây dựng NTM.
Nhờ đó, phong trào chung sức xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp, khích lệ người dân tham gia. Sau hơn 9 năm thực hiện chương trình này, Tân Hương đã huy động trên 241 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, huy động từ đóng góp của nhân dân đạt trên 133 tỷ đồng, chiếm 5,5%. Tất cả được đầu tư vào kết cấu hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa.
Cụ thể, xã đã cứng hóa 17,3 km đường liên thôn, 6,5 km nội thôn, kiên cố hóa 6,1km thủy lợi, xây mới 25 phòng học và các công trình phụ trợ với sự đóng góp 10.000 công lao động và đã có trên 100 hộ tự nguyện hiến 1,5 ha đất cùng nhiều cây cối, hoa màu.
Hiện tại, 100% đường liên xã đã được nhựa hóa, gần 80% đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho hơn 80% diện tích đất sản xuất.
Hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng, tất cả các thôn đều có nhà văn hóa. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, xã Tân Hương cũng tập trung cải thiện hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân.
Đặc biệt, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, toàn xã trồng mới được 147ha quế, 7,5 ha cây ăn quả có múi; nuôi 194 lồng cá và hàng chục mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Những năm gần đây, cây quế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, khoảng 30 hộ có thu nhập bình quân đạt 50 - 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhiều hộ đã làm giàu từ cây quế với doanh thu mỗi lần từ khai thác quế cho giá trị từ 500 - 700 triệu đồng như hộ ông Lương Văn Hậu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Bá Lực ở thôn Tấn Bình. Ngoài cây quế, xã còn có trên 100 hộ có diện tích trồng cây keo, cây bồ đề cho thu nhập cao. Nhờ tập trung phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,16%.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM, ông Hoàng Văn Lành - Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: bài học xuyên suốt, đó là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trên quan điểm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; ban chỉ đạo, ban quản lý và các tiểu ban xây dựng NTM luôn sâu sát nhân dân để giải quyết các vấn đề, các nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân; đồng thời, xác định tiêu chí cốt lõi là tiêu chí thu nhập nhằm nâng cao đời sống nhân dân vừa tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân vừa nuôi dưỡng sức dân. Đặc biệt, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của dân là nhân tố quyết định thành công của chương trình xây dựng NTM.
Văn Thông