Nhờ sự sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành cùng nỗ lực khắc phục khó khăn, đến tháng 1/2020, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu được công nhận là xã NTM với đầy đủ 19/19 tiêu chí. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện vùng cao này được công nhận là xã NTM, trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn để đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu thi đua cải tạo những tập tục không còn phù hợp với nếp sống mới, XDNTM ở huyện miền núi no ấm, hạnh phúc hơn.
Sau 6 tháng đạt tiêu chuẩn về xã NTM, người dân Hát Lừu tiếp tục sôi nổi các phong trào thi đua, như: tu sửa đường giao thông, trồng hoa khu vực nhà văn hóa. Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh đều phát động các phong trào với mục tiêu chung là giữ cho bản làng luôn xanh - sạch - đẹp, xứng đáng là xã NTM đầu tiên của huyện.
Đối với Đảng bộ, chính quyền xã, lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Cán bộ được phân công sâu sát cơ sở, vận động người dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp thực hiện thắng lợi vụ xuân với diện tích đạt 223,3 ha, năng suất, sản lượng cao hơn vụ trước. Hát Lừu cũng là xã xây dựng các mô hình chăn nuôi xen kẽ có hiệu quả kinh tế như mô hình lúa - cá hay các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn.
Ông Lò Văn Sùm - cựu chiến binh năm nay đã ngoài 80 tuổi, chứng kiến sự đổi thay của quê hương hàng ngày nên không khỏi xúc động. Hát Lừu trong ký ức của ông là một miền quê anh hùng từng không tiếc máu xương đánh đuổi thực dân Pháp. Con người, mảnh đất nơi đây đã đoàn kết để chiến thắng giặc đói, giặc dốt. Nhưng cũng là mảnh đất trước đây còn rất khó khăn.
Ông Lò Văn Sùm chia sẻ: "Được sự quan tâm của Đảng, xã Hát Lừu từ một xã nghèo nàn, lạc hậu, đường đất, công sở, nhà dân toàn tranh tre nứa lá. Nay trở thành một xã NTM đầu tiên của huyện với đường bê tông ra tận ruộng. Cơ sở hạ tầng khang trang, các cháu học sinh được học tập trong môi trường tốt nhất. Người dân không còn thiếu ăn, thiếu mặc. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều!”.
Niềm vui của ông Sùm là niềm vui của 3.760 người dân Hát Lừu bởi Hát Lừu hôm nay không chỉ xanh rừng, còn xanh ruộng đồng, xanh nương rẫy, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nhiều hộ một thời đói nghèo đeo đẳng nay trở thành những triệu phú như gia đình chị Lò Thị Mặc, anh Hoàng Đình Văn, Lò Văn Păn, Lò Văn Pầng, Lường Văn Lả... Xã cũng đã xây dựng 2 mô hình chăn nuôi đại gia súc trên 10 con gia súc, 3 mô hình 1.000 con gia cầm.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,58%. Ông Lò Văn Tiếp – Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Nhờ XDNTM, diện mạo xã Hát Lừu có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị được củng cố. Người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng kết cấu hạ tầng.
Chất lượng cuộc sống nâng lên. Đây là động lực để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào trong xã tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, quyết tâm xây dựng xã Hát Lừu Đảng mạnh, dân giàu”.
Hành trình XDNTM ở Hát Lừu gặp không ít khó khăn khi xuất phát điểm là xã thuần nông. Năm 2017, xã chịu thiệt hại nặng nề do lũ ống, lũ quét. Nhưng nhờ sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện của Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình XDNTM, xã Hát Lừu đã cán đích NTM dù vẫn còn đó những khó khăn đang tiếp tục khắc phục.
Xã Trạm Tấu - nơi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và gửi thư khen hôm nay cũng tưng bừng phong trào thi đua XDNTM. Là xã có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục không còn phù hợp...
Từ sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, xã Trạm Tấu là địa phương đầu tiên trong toàn huyện đưa người chết vào quan tài vào năm 2011.
Từ đó, đến nay, việc đưa người chết vào quan tài được đồng bào đồng lòng thực hiện. Xóa bỏ hủ tục hàng trăm đời, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nếp sống mới.
Ông Mùa A Páo – Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu cho biết: "Thực hiện XDNTM, xã đã chú trọng tuyên truyền ý nghĩa phong trào này tới các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tranh thủ sự ủng hộ của họ để tuyên truyền trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, người dân trong xã rất hăng hái trong thực hiện phong trào. Nhiều gia đình đã thực hiện nếp sống mới như: không thách cưới cao, làm chuồng nuôi nhốt gia súc giữ gìn vệ sinh môi trường. Vì vậy, tạo động lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội”.
Phong trào thi đua XDNTM ở huyện Trạm Tấu đã được khơi dậy trong đồng bào các dân tộc của huyện, tạo luồng sinh khí mới trong thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp Đảng bộ huyện thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết.
Nhìn lại lộ trình 4 năm 2016 – 2020, huyện Trạm Tấu đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua chung sức XDNTM. Các ban, ngành, đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch, các chuyên đề lồng ghép tuyên truyền về chương trình, phát tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp về XDNTM cho các xã.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức tốt các phong trào thi đua đồng hành XDNTM, như các phong trào: khai hoang ruộng nước của Đoàn Thanh niên, "5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ.
Vì vậy, phong trào thi đua XDNTM được tổ chức rộng khắp trong toàn huyện. Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện chương trình đã được huyện quan tâm. 15 lớp tập huấn đã được tổ chức tại 11 xã cho 841 lượt người tham gia.
Trung ương đã hỗ trợ XDNTM cho giai đoạn 2016 – 2020 ở Trạm Tấu trên 84,182 tỷ đồng. Vì vậy, phong trào XDNTM ở Trạm Tấu khá hiệu quả. Đến nay, xã Trạm Tấu đạt 10/19 tiêu chí NTM; xã Bản Công, xã Phình Hồ đạt 9/19 tiêu chí; xã Xà Hồ đạt 8/19 tiêu chí; xã Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán đạt 7/19 tiêu chí; xã Bản Mù, Làng Nhì, Tà Xi Láng đạt 6/19 tiêu chí.
Tuy nhiên, việc XDNTM ở các xã vùng cao của huyện Trạm Tấu gặp nhiều khó khăn. Một vài tiêu chí đã hoàn thành nhưng chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững do các chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành tiêu chí biến động theo từng năm như: tiêu chí thu nhập, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự.
Địa hình Trạm Tấu chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn nên khó khăn cho việc quy hoạch sử dụng đất bố trí dân cư và cơ sở hạ tầng công cộng theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là việc khó thực hiện, cần có thời gian dài do người dân ở Trạm Tấu hiện nay chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông lâm nghiệp. chuyển sang công nghiệp thiếu vốn và chưa có kinh nghiệm sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Nguyên nhân của những khó khăn này là do điểm xuất phát của các xã khi thực hiện chương trình còn thấp, cơ cấu kinh tế thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trong khi các tiêu chí yêu cầu rất cao so với điều kiện một huyện miền núi, vì vậy, tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Nguồn lực đầu tư thực hiện Đề án XDNTM đạt thấp so với mục tiêu đề ra; đồng thời, nguồn lực huy động tín dụng, các doanh nghiệp còn rất hạn chế và hầu như không có. Đây chính là trở ngại trong việc XDNTM ở Trạm Tấu”.
Xác định nguyên nhân của những khó khăn tồn tại, huyện Trạm Tấu đã xây dựng phương hướng, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương để thực hiện tốt hơn các mục tiêu quốc gia về NTM, đó là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân để người dân hiểu được ý nghĩa nhân văn của chương trình tiếp tục đồng lòng thực hiện; coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt về XDNTM; tiếp tục thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực về vốn...
XDNTM là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn nên tuy còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng tin tưởng bằng những kết quả đã làm được, huyện Trạm Tấu sẽ thực hiện thắng lợi để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng huyện vùng cao phát triển toàn diện.
Phương Thùy