Thành phố Yên Bái có 17 đơn vị hành chính gồm 9 phường, 8 xã (năm 2020 sáp nhập còn 9 phường, 6 xã). Sau huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái là địa phương thứ 2 trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Đến nay, 100% đường xã, liên xã, đường đến thành phố được kiên cố hóa đạt chuẩn; 100% các tuyến đường trục chính liên thôn được kiên cố hóa; trên 87% đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, sạch sẽ không lầy lội vào mùa mưa; hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa đạt 87,66%, đáp ứng tưới tiêu cho trên 900 ha đất sản xuất nông nghiệp.
8/8 xã XDNTM được đầu tư xây dựng nhà văn hóa đa năng, khu thể thao đạt yêu cầu quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; địa bàn không còn nhà tạm, trên 95% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng…
Nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập.
Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,53%. Ngoài nguồn vốn đầu tư XDNTM, thành phố chỉ đạo lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án khác để thực hiện XDNTM, vận dụng chính sách ưu đãi kêu gọi sự tham gia, đầu tư của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác và phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Tổng nguồn vốn đầu tư XDNTM trong 10 năm là 2.175 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 645 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 570 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, là các nguồn vốn từ tỉnh, thành phố, vốn ngân sách xã; từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác. Hiện, các xã của thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình XDNTM.
Thành công XDNTM của thành phố Yên Bái là sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với việc khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư.
Chương trình XDNTM được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn thành phố đang có nhiều chuyển biến tích cực; trình độ dân trí, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao; cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, giá trị hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên, người dân có điều kiện tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn được ban hành, triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả.
Bước đầu đã hình thành vùng, mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại sản xuất chăn nuôi hàng hóa tại các xã như: Tân Thịnh, Minh Bảo, Văn Phú, Tuy Lộc... các khu vực trồng rau tập trung như: Tuy Lộc, Văn Phú, Tân Thịnh… sản phẩm nông nghiệp có thị trường tại chỗ phong phú đa dạng và ngày càng mở rộng.
Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở xã Văn Phú hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Mặt khác, thành phố có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ của vùng Tây Bắc, trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch gồm đường thủy, đường sắt, đường bộ nên thành phố Yên Bái trở thành một trong những đầu mối thông thương quan trọng giữa miền ngược và miền xuôi.
Theo kế hoạch, mục tiêu trong năm 2020, thành phố phấn đấu có 3 xã đạt NTM nâng cao; 2 xã đạt NTM kiểu mẫu; tỷ lệ qua lao động đạt trên 80%; cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng. Mục tiêu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng, duy trì dưới 2% tỷ lệ hộ nghèo.
Vũ Đồng