Để giữ vững tiêu chí môi trường trong XDNTM, người dân thôn Bản Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu hăng hái tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Đến nay, hầu hết các hộ trong thôn đều có nhà ở khang trang, có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, đường giao thông được cứng hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Không những vậy, nhiều hộ dân ở đây còn mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi tổng hợp, kết hợp đưa các loại giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất nâng cao thu nhập.
Nhờ phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM mà Hát Lừu đã trở thành một trong xã đầu tiên của 62 huyện nghèo cán đích NTM. Cùng với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Hát Lừu đã rất chú trọng phát triển sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung; lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ tích cực tham gia lao động sản xuất mà nông dân Yên Bái còn tích cực tham gia hiến đất, hiến công để làm đường, xây nhà văn hóa hay các công trình thủy lợi.
Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 5 năm qua, có trên 6.000 lượt hộ hội viên nông dân hiến 500.000 m2 đất, đóng góp ủng hộ gần 1 triệu ngày công lao động, trên 350 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa, rải cấp phối, bê tông hóa trên 700 km đường giao thông liên thôn bản, đường làng ngõ/xóm, hơn 100 công trình kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, sân chơi sinh hoạt văn hóa thể thao của thôn/bản; đóng góp vật liệu, ngày công giúp 525 hộ nghèo làm nhà ở; xây dựng 61 tuyến đường tự quản, 65 tuyến đường thắp sáng đường quê...
Ông Nguyễn Văn Lộc - một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào hiến đất tham gia XDNTM của xã Mông Sơn, huyện Yên Bình cho biết: "Tấc đất, tấc vàng, người nông dân rất trân quý đất sản xuất, song vì sự phát triển của địa phương, gia đình tôi đã hiến trên 750 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa và đường liên thôn”.
Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, các vùng quê ở Yên Bái hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới xanh hơn, đẹp hơn. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ thâm canh nhỏ lẻ giờ đã hình thành những vùng hàng hóa quy mô, có năng suất, chất lượng cao.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng rãi, hình thành ý thức văn hóa nông thôn có ứng xử thân thiện, văn minh và gần gũi hơn. NTM ngày càng đi vào chiều sâu trong từng nếp nghĩ, cách làm, là thước đo chất lượng và mức độ hài lòng, sự thụ hưởng cuộc sống của mỗi người dân vùng nông thôn.
Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự cung, tự cấp, nông dân Yên Bái đã đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Người nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả, ruộng cạn sang trồng cây ăn quả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015. Đến nay, hầu hết người nông dân Yên Bái đã tiếp cận và làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM ở Yên Bái đã đạt những kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc. Sau 5 năm toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết.
Thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM. Hơn ai hết, chính người nông dân hiểu và thấy được lợi ích thiết thực từ chương trình XDNTM, từ đó càng tâm huyết, sáng tạo, đưa lại hiệu quả ngày càng cao. Mỗi địa phương một cách làm, mỗi cơ sở một điểm nhấn, chưa bao giờ nông thôn Yên Bái có nhiều dấu ấn đến vậy. Nông thôn Yên Bái đã thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
Mạnh Cường