Là tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, nhưng với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Yên Bái đã trở thành phong trào rộng khắp. Chương trình XDNTM không chỉ làm mới về hạ tầng nông thôn, mà còn mang đến một diện mạo mới cho các vùng quê, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Rõ nét nhất trong XDNTM chính là đã làm thay đổi tư duy, cách làm của nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhưng khi bước vào thực hiện XDNTM, Yên Bái gặp muôn vàn khó khăn, thách thức từ nhận thức của người dân đến cơ sở vật chất vừa thiếu vừa yếu…
Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã làm nên kỳ tích trong XDNTM.
Đến hết 30/11/2020, toàn tỉnh có 73 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM; trong đó, có 70/150 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 31 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 42 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.
Riêng năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm 13 xã đạt chuẩn, lũy kế có 76/150 xã đạt chuẩn; có 21 thôn NTM kiểu mẫu, 4 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, 11 xã đạt xã NTM nâng cao.
Đặc biệt, đầu năm 2020, huyện Trấn Yên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM và là huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc. Thành phố Yên Bái hoàn thành nghĩa vụ XDNTM và tới đây có thêm thị xã Nghĩa Lộ.
Nông dân xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
NTM đã làm nên đổi thay rõ nét và người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công, môi trường ngày càng được cải thiện. Quan trọng hơn cả là, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Sản xuất nông nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường…
Đặc biệt, không chỉ những xã đạt chuẩn NTM mà hầu hết các xã từ vùng thấp đến vùng cao đều tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp (NLN) hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ. Tỉnh đã phê duyệt, triển khai thực hiện 30 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 77.440 tỷ đồng.
Các dự án liên kết tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh; trong đó, huyện Yên Bình có chuỗi cá hồ Thác Bà; chuỗi bưởi Đại Minh; chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo theo tiêu chuẩn FSC với quy mô trên 2.000 ha. Trấn Yên có chuỗi dâu tằm tơ; chuỗi măng tre Bát độ; chuỗi sản xuất chăn nuôi gà Minh Dư…
Hạ tầng nông thôn khang trang, đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất và tỉnh đã huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư XDNTM, nhất là sự tham gia đóng góp đáng kể của xã hội và nhân dân.
Theo đó, 5 năm qua, toàn tỉnh đã kiên cố hóa trên 700 km đường bê tông, mở mới nền đường trên 1.180 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp, làm mới 707 công trình thủy lợi; 300 phòng học các cấp được xây dựng khang trang; 212 công trình văn hóa (có 177 nhà văn hóa thôn, 35 nhà văn hóa xã) và 80 công trình thể thao (12 khu thể thao xã và 68 khu thể thao thôn)... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân; tổng vốn huy động XDNTM 5 năm qua đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Có thể nói, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn, nhất là các xã đạt chuẩn NTM đã đáp ứng được cho nhu cầu sản xuất và phát triển quy mô lớn.
Cùng đó, tỉnh đã xây dựng, hình thành các vùng sản xuất NLN, thủy sản chuyên canh với quy mô lớn, chất lượng ngày càng nâng cao như: vùng quế gần 78.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha (chè Shan trên 1.700 ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500 ha), trồng dâu nuôi tằm gần 1.000 ha; gỗ nguyên liệu 200.000 ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; vùng nuôi thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá...
Thành quả từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM đã đưa tốc độ tăng tổng sản phẩm NLN, thủy sản năm 2020 đạt 6%, đạt 120% so với mục tiêu. Cơ cấu tổng sản phẩm NLN, thủy sản năm 2020 ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu; giá trị sản xuất NLN, thủy sản ước đạt 7.746 tỷ đồng.
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, sản xuất NLN có bước đột phá toàn diện. Nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về thực hiện tái cơ cấu ngành NLN gắn với XDNTM đã có sự chuyển biến rõ nét. Các chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống và có vai trò thúc đẩy giải phóng, sử dụng hiệu quả sức sản xuất, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, người dân vùng cao đã biết chia sẻ, hỗ trợ nhau tư liệu sản xuất, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần vùng nông thôn không ngừng nâng lên.
Phát huy kết quả đã đạt được, những năm tới, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, NTM kiểu mẫu; trong đó, tập trung phát triển cây ăn quả, cây dược liệu, cây con đặc sản, chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp; phát huy, khai thác lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy Chương trình OCOP; phát triển du lịch cộng đồng gắn với XDNTM... góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân.
Ngọc Trúc