Trước hết, có 573/626 hộ gia đình toàn xã dùng nước hợp vệ sinh, đạt 91,5%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm "3 sạch” đạt từ 70,1% trở lên.
Trên địa bàn xã có 3 cơ sở chế biến gỗ đều đã lập hồ sơ thủ tục môi trường theo quy định. Cảnh quan môi trường trên địa bàn xã được đánh giá xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hệ thống cây xanh bóng mát tập trung trên các trục đường chính, khu vực trường học, Trạm Y tế, UBND xã...
Ngoài ra, một số tuyến đường thôn, liên thôn như: Khe Giềng, Khe Tăng, Khe Ván, Minh Khai đã trồng khoảng 2,2 km đường hoa. Hệ thống suối, ao, hồ cơ bản thông thoáng, nước chảy ổn định, không có hiện tượng bị ứ đọng và không có tình trạng người dân đổ rác thải xuống suối, ao, hồ.
Tuyến đường chính và các tuyến đường thôn, liên thôn cơ bản đã trải nhựa, bê tông, cứng hóa; một số tuyến đường có hệ thống tiêu thoát nước và mương, rãnh được nạo vét, khơi thông, cắt cỏ, phát quang bụi rậm hai bên đường; dọc các tuyến đường thôn có cắm biển "Đoạn đường tự quản” do các tổ chức đoàn thể quản lý.
Phong trào "Ngày thứ Bảy cùng dân” được xã Quang Minh, huyện Văn Yên phát động thực hiện để vệ sinh đường làng ngõ xóm đồng thời xây dựng được 10,9 km đường điện thắp sáng đường quê. Các hộ gia đình cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội.
Phong trào "Ngày thứ Bảy cùng dân” được xã phát động thực hiện để vệ sinh đường làng ngõ xóm đồng thời xây dựng được 10,9 km đường điện thắp sáng đường quê. Các hộ gia đình cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội.
Người dân còn đầu tư làm hàng rào bằng thép, lưới B40, gạch bê tông, hàng rào cây xanh; nạo vét mương rãnh, phát quang bụi rậm; khuôn viên nhà trồng hoa, cây cảnh.
Hương ước về giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường chung đã giúp đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Hoạt động vệ sinh định kỳ 1 tuần 1 lần được duy trì để quét dọn rác, cắt cỏ, phát quang bụi rậm, nạo vét, khơi thông mương, rãnh... tại các trục đường chính, tuyến đường thôn, liên thôn và khu vực công cộng.
Chất thải rắn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã được thu gom, xử lý theo quy định. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, xã đã vận động xây dựng được 420 hố rác gia đình và nhóm hộ gia đình ở liền kề nhau đào hoặc xây hố rác để tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt hoặc chôn lấp.
Tại các nhà văn hóa thôn, trường học, UBND xã, Trạm Y tế xã... đều có thùng đựng rác để thu gom và đốt tại hố rác. Dự kiến khi lò đốt rác tại xã Đông Cuông đi vào hoạt động, xã Quang Minh sẽ phối hợp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bảo đảm quy định.
Trạm Y tế xã thực hiện lưu giữ, phân loại chất thải y tế trong các phòng khám bệnh; rác thải sinh hoạt được thu gom và đốt tại lò đốt rác vào cuối giờ chiều các ngày làm việc; các chất thải y tế nguy hại được thu gom, phân loại, vận chuyển về Trung tâm Y tế huyện xử lý. 10 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đặt tại các cánh đồng lớn giúp người dân thuận tiện thu gom và xã đang tiếp tục đầu tư thêm các bể chứa.
Địa phương không có cơ sở hoặc hộ gia đình nào chăn nuôi tập trung, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. 303/481 hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường, đạt 63%.
Hầu hết các hộ đều xử lý nước thải, chất thải phát sinh và thu gom, ủ làm phân bón phục vụ sản xuất hoặc đem bán. Lượng dầu mỡ thải, giẻ lau dính dầu, can đựng dầu mỡ thải... từ các cơ sở sản xuất chế biến gỗ tương đối ít; đầu mẩu gỗ thừa, vỏ cây, mùn cưa... đều được thu gom, bán lại.
Tuyến đường chính qua trung tâm xã, đường vào một số thôn, bản cơ bản hai bên đường đã có hệ thống thoát nước; rãnh được nạo vét, khơi thông, không gây ứ đọng khi trời mưa.
Tuy nhiên vẫn còn một số đoạn đường vào các thôn, bản chưa có hệ thống rãnh thoát nước, việc thoát nước chủ yếu là chảy tràn trên bề mặt mà một phần do địa hình phức tạp không thể xây dựng.
Các hộ gia đình đều đã xây dựng bể phốt, bể tự hoại để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra ngoài môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi phát sinh bằng bể phốt, bể tự hoại, bể lắng… trước khi xả ra môi trường.
Nguyễn Thơm