Chúng tôi đến xã Báo Đáp khi địa phương đang tất bật triển khai thực hiện kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng đi trên con đường bê tông của thôn Đồng Sâm, đồng chí Vi Việt Trung - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Hiểu được lợi ích của xây dựng nông thôn mới (XDNTM) kiểu mẫu, nhân dân đã tập trung phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm để tăng thu nhập. Đồng thời hăng hái đóng góp tiền của, vật chất, ngày công lao động xây dựng các thiết chế hạ tầng nông thôn”.
Đồng Sâm đã phát triển được hơn 30 ha dâu tằm, hình thành được các tổ hợp tác nuôi tằm con. Hôm nay, từ Đình Xây đến Đồng Sâm, Đồng Trạng đã hoàn thành và ra mắt thôn NTM kiểu mẫu. Hết năm 2020, Báo Đáp đã có 5/12 thôn hoàn thành và ra mắt thôn NTM kiểu mẫu.
Xã phấn đấu năm 2021 có thêm 2 thôn hoàn thành và ra mắt thôn NTM kiểu mẫu. Xác định người dân là chủ thể xây dựng NTM nâng cao, xã đã rà soát các phần việc, phân rõ trách nhiệm của xã, của thôn, làm rõ lộ trình, thời gian với cách làm cụ thể.
Nhờ đó, nhân dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện nay, xã có trên 100 ha dâu, giá trị thu nhập bình quân từ 130 - 150 triệu đồng/ha/năm. Báo Đáp cũng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, các nhóm hợp tác, tổ hợp tác tạo mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Kinh tế - xã hội phát triển là điều kiện thuận lợi để xã đầu tư mạnh mẽ hơn cho xây dựng xã NTM nâng cao. Năm 2021, xã sẽ huy động khoảng 76 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,38%.
Hơn 10 năm trước, khi bắt tay vào XDNTM, huyện Trấn Yên gặp rất nhiều khó khăn khi hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo nàn, lạc hậu; nhận thức của người dân về XDNTM còn hạn chế.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, tháng 1/2020, Trấn Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực miền núi Tây Bắc đạt chuẩn NTM.
100% các tuyến đường từ huyện đến xã, đường liên xã, liên thôn của xã được kiên cố hóa; hơn 80% số đường ngõ xóm được bê tông hóa; tất cả tuyến đường nội đồng, đường vào khu sản xuất được mở mới và nâng cấp.
Ngoài ra, hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; hệ thống chợ nông thôn được xây dựng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân.
Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết theo chuỗi giá trị như vùng tre măng Bát độ hơn 3.500 ha, sản lượng măng thương phẩm trên 70.000 tấn/năm; vùng trồng dâu nuôi tằm 600 ha, sản lượng kén 700 tấn/năm; vùng quế hơn 16.000 ha, trong đó có 6.000 ha quế hữu cơ; vùng cây ăn quả 750 ha.
Trong chăn nuôi, đã hình thành 700 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 10.000 – 40.000 con/lứa, sản lượng xuất chuồng hàng năm gần 10.000 tấn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đạt 36,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,11%; hiện không còn người dân ở nhà tạm, nhà dột nát.
Theo ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện, ngoài việc giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện tiếp tục xây dựng, kế hoạch lộ trình cụ thể cho từng thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao.
"Mục tiêu là phấn đến năm 2025, mạng lưới giao thông từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã, đường thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm…" - ông Mầu cho hay.
Thanh Tân