Văn Chấn huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/6/2021 | 7:32:45 AM

YênBái - Hết năm 2020, huyện Văn Chấn có 6/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhân dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu năm 2025, có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 5 xã hoàn thành xã NTM nâng cao; 2 xã hoàn thành xã NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4-5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, huyện Văn Chấn đang tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện.


Tú Lệ là xã được chọn để hoàn thành và ra mắt xã NTM 2021. Với đặc thù thuần nông còn nhiều khó khăn, song nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương. 

Bởi vậy, trong 10 năm triển khai, thực hiện xây dựng NTM, xã Tú Lệ tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa, lựa chọn những cây, con giống có năng suất, chất lượng cao tạo ra các nông sản chủ lực như lúa nếp Tan, chè, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ. 

Nhờ đó, đến nay, xã duy trì ổn định trên 265 ha lúa; 205 ha ngô, 25 ha cây lấy củ, trên 100 ha rau đậu các loại, 23 ha cây ăn quả; nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho thu nhập về từ 400 - 500 triệu đồng/năm. 

Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở xã Tú Lệ có nhiều đổi thay và xã đã huy động được gần 56 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó, nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa khác. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 11,21%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 36 triệu đồng; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. 

Ông Lò Văn Thức - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Dù mới đạt 14 tiêu chí xây dựng NTM, song vận dụng linh hoạt các chính sách, chương trình, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã tập trung vận động nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, thực hiện dân chủ, minh bạch, công khai trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Xã cố gắng phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí để ra mắt xã NTM vào cuối năm nay”.  

Với điểm xuất phát thấp, song vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng NTM, hết năm 2020, huyện Văn Chấn có 6/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. 

Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã huy động trên 235 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư gần 215 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn này, huyện bê tông hóa và láng nhựa trên 528 km đường từ trung tâm xã đến huyện, đường liên xã, liên thôn, xóm; kiên cố hóa 222 km kênh mương nội đồng đáp ứng tốt nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và huyện đã lựa chọn, xác định những cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả kinh tế khá, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM. 

Trong chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa; phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, góp phần tăng năng suất, sản lượng, giá trị các sản phẩm. 

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được hình thành và phát triển. Đến nay, toàn huyện có 61 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã, 432 tổ hợp tác được thành lập, hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân của lao động trong các doanh nghiệp đạt trên 80 triệu đồng/người/năm. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 10,42%; thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng. 

Ông Nông Ích Chấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở cân đối các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn vốn từ Chương trình 135… để phân bổ cho các xã và ưu tiên đặc biệt đối với các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM năm 2021. 

Cùng đó, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất; tập trung thâm canh, cải tạo diện tích chè kinh doanh vùng thấp và chè Shan vùng cao; phát triển mạnh vùng cây ăn quả có múi ở những xã có điều kiện phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; mở rộng diện tích một số cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, giúp cho nhân dân phát triển kinh tế.

Thanh Tân

Tags Văn Chấn Tú Lệ nông thôn mới bê tông hóa nông nghiệp hàng hóa

Các tin khác

Sau khi được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Trấn Yên tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí bằng việc xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu và đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Một buổi họp bản tuyên truyền về xây dựng bản nông thôn mới ở bản Xéo Dì Hồ A - bản phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2021 của xã Lao Chải.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) không dễ, xây dựng NTM ở huyện nghèo như Mù Cang Chải lại càng khó. Bởi vậy, với phương châm có nhiều bản NTM sẽ có xã NTM, từ cuối năm 2018, huyện Mù Cang Chải đã lựa chọn mỗi xã 2 bản tại 13 xã để xây dựng bản điểm NTM.

Nhà văn hóa thôn Trực Thanh được xây mới, trị giá trên 450 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Để đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, xã Bảo Hưng chỉ đạo các thôn huy động nhân dân xây mới, tu sửa nhà văn hóa thôn. Đến nay, toàn xã có 4/7 nhà văn hóa thôn đạt tiêu chí.

Nông dân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải thu hái quả sơn tra.

Huyện đã xây dựng kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, xác định rõ những tiêu chí đã đạt, những nội dung còn thiếu, cụ thể các nguồn lực cần huy động....

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục