Cùng chúng tôi đi trên những tuyến đường bê tông từ trung tâm xã về thôn Đồng Thập, Chủ tịch UBND xã Triệu Như Đình nói về sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã trong việc triển khai thực hiện chương trình XDNTM của địa phương: "Ngay sau khi Đồ án và Đề án được phê duyệt, UBND xã đã tổ chức công bố quy hoạch công khai và Đề án XDNTM tới toàn thể nhân dân. Đồng thời UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã, các ban phát triển thôn, thường xuyên kiện toàn để phù hợp với nhiệm vụ chung; thành lập tổ tiến hành đánh giá, rà soát thực trạng các tiêu chí; xây dựng Đồ án quy hoạch và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương".
"Xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí cụ thể từng năm, từng giai đoạn, với phương châm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, kết hợp với Nhà nước hỗ trợ; cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Ủy ban MTTQ xã chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân chung sức XDNTM. Trong quá trình triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã luôn chú trọng thực hiện triệt để nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng...". Ông Đình nói.
Để hoàn thiện các tiêu chí XDNTM, Đảng bộ xã chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo nhân dân sản xuất 56,8 ha lúa 2 vụ, với cơ cấu chủ yếu là giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân.
Cùng với cây lúa, nhân dân trong xã đã đầu tư thâm canh 182 ha chè, năng suất đạt 98 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 1.765 tấn; đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi lên 170 ha, sản lượng đạt 1.150 tấn/năm; trồng rừng kinh tế, hàng năm khai thác từ 1.350 m3 gỗ rừng trồng trở lên... mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho nhân dân.
Cùng với đó, xã đã vận động các hộ dân có diện tích đất rộng làm chuồng trại, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao thu nhập từ nghề chăn nuôi. Tổng đàn gia súc của xã hiện có 526 con, đàn lợn 2.204 con, đàn gia cầm 23.300 con... Đây là nguồn thực phẩm không chỉ để sử dụng hàng ngày mà các hộ dân còn dư thừa bán ra thị trường, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.
Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, xã khuyến khích các hộ dân đầu tư cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Trên địa bàn xã hiện có 4 cơ sở chế biến chè đen; 2 cơ sở sản xuất ván bóc quy mô hoạt động và doanh thu đều tăng qua các năm, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng trăm lao động ở địa phương, doanh thu năm 2021 của các cơ sở này đạt 61,8 tỷ đồng.
Nhân dân trong xã không chỉ tích cực thực hiện tốt quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà còn tích cực tham gia các lớp học nghề để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.
Đến năm 2021, trên địa bàn xã có 78 người chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; số hộ kinh doanh cá thể năm 2011 chỉ có 21 hộ, đến nay đã có 69 hộ, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 4,1 triệu đồng/năm thì đến năm 2021 đạt 37,26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 57,15% năm 2011, giảm còn 7,54% vào cuối năm 2021. Kinh tế phát triển, nhân dân trong xã tích cực đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình XDNTM trong giai đoạn vừa qua của xã là trên 40,9 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trên 35 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 3,9 tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất và hàng nghìn ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng để hoàn thiện các tiêu chí XDNTM.
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong xã, sau 11 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM, đến tháng 12/2021, xã Minh An đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Cao Chính