Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Lĩnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Theo đó, xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chương trình xây dựng NTM, đặc biệt phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân. Chính vì vậy, phát huy sức mạnh nội lực, sự đoàn kết, chung tay góp sức của người dân toàn xã.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã đã vận động được nhân dân đóng trên địa bàn hiến trên 13.000 m2 đất, 1.660 cây cối, hoa màu các loại và đóng góp 6.940 ngày công lao động để mở rộng các tuyến đường liên xã, liên thôn, đặc biệt là 3 tuyến đường trục xã là tuyến đường Tân Lĩnh - Minh Chuẩn, Tân Lĩnh - Khai Trung, Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh; huy động kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, xóa nhà dột nát với tổng kinh phí 650 triệu đồng.
Ông Cù Xuân Toàn - Bí thư Chi bộ thôn 7 vui mừng cho biết: "Với sự quan tâm của Nhà nước, địa phương, đặc biệt là sự đoàn kết, đóng góp của người dân trong thôn, đến nay, 100% các tuyến đường tại thôn 7 đều được bê tông hóa, người dân thuận tiện trong việc đi lại, giao lưu, buôn bán hàng hóa”.
Hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông và nhà ở dân cư được quan tâm đầu tư, đáp ứng các yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích.
Hiện nay, toàn xã có 23 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô từ 300 đến 4.000 con/lứa, 28 mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt từ 10 đến 100 con/lứa, 15 mô hình chăn nuôi dê từ 20 con trở lên. Trong 10 năm, hỗ trợ 20 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, các mô hình được hỗ trợ đến nay tiếp tục được duy trì, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh chú trọng phát triển nông - lâm nghiệp, xã Tân Lĩnh cũng khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi ngành nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Công nghiệp phát triển đã thu hút các doanh nghiệp khai thác sản xuất sản phẩm từ đá trắng đầu tư vào địa bàn, hình thành các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Trên địa bàn có 1 doanh nghiệp về khai thác chế biến khoáng sản, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng. Xã có 1 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ gồm 12 cơ sở, có 15 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 5 cơ sở sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 38,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,39%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96,7%... Các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng - an ninh được xã triển khai có hiệu quả.
Với sự đoàn kết, thống nhất vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, vừa qua, xã Tân Lĩnh được UBND tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn NTM. Từ đó, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống người dân vùng "cửa ngõ” huyện Lục Yên nâng lên về mọi mặt. Đây cũng là tiền đề để Tân Lĩnh xây dựng xã NTM nâng cao.
Hoàng Anh