Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Nhân dân là chủ thể và sự đồng thuận của nhân dân là yếu tố then chốt

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2024 | 1:45:20 PM

YênBái - Thực tiễn sau hơn 13 năm Yên Bái triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã khẳng định hiện thực hóa vai trò chủ thể và tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công và tính bền vững của Chương trình. Làm tốt công tác này, những năm qua đã giúp Yên Bái xây dựng thành công NTM ở nhiều địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cũng như tiếp tục trở thành điểm sáng trong XDNTM của khu vực.

Tuyến đường hoa do nhân dân xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên chung sức xây dựng, tạo diện mạo mới cho địa phương. (Ảnh: K.T)
Tuyến đường hoa do nhân dân xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên chung sức xây dựng, tạo diện mạo mới cho địa phương. (Ảnh: K.T)

Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt Thào A Phềnh - xã đầu tiên của huyện Mù Cang Chải hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM vẫn luôn khẳng định, thành công trong XDNTM ở địa phương là từ nhân dân. Nếu nhân dân không tham gia và ủng hộ, đồng thuận với địa phương thì chắc chắn sẽ không có Nậm Khắt hôm nay. Họ đã tình nguyện góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi chung. Trong tổng kinh phí thực hiện XDNTM toàn xã ước khoảng trên 500 tỷ đồng thì trong đó nhân dân đóng góp trên 70 tỷ đồng.

Cùng với đó là tin, nghe và làm theo Đảng thay đổi nhận thức trong tập quán sinh hoạt, loại bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp, bảo đảm vệ sinh môi trường, sản xuất theo hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp… Rõ ràng, ngay cả ở các địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nơi mà người dân còn muôn vàn thiếu thốn thì vai trò chủ thể và sự đồng thuận của nhân dân vẫn luôn được cấp ủy, chính quyền đề cao, coi trọng.

Từ nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ cơ chế vận hành của XDNTM là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương chỉ là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt được tất cả các địa phương trên toàn tỉnh tích cực triển khai.

Nội dung các công trình, phần việc đưa ra thực hiện được xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, nhất là các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, y tế, thiết chế văn hóa… Yên Bái có ngày càng nhiều những tuyến đường "0 đồng” - tức là không có chi phí về giải phóng mặt bằng. Rồi cả những tuyến đường hoa, khu dân cư tự quản, bảo vệ môi trường, thôn/bản hạnh phúc hay văn hóa… đều do nhân dân tự giác vận động, bảo nhau cùng triển khai, góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên nhân dân tích cực tham gia XDNTM. Khi được quản lý, triển khai đúng quy định, công khai, minh bạch và hiệu quả thì nhân dân sẵn sàng trở thành lực lượng tham gia toàn bộ mọi hoạt động trong XDNTM.

Trong 5 năm qua, nhân dân tỉnh Yên Bái đã đồng thuận hiến trên 200 ha đất, 550.000 ngày công và trên 500 tỷ đồng để sửa chữa, làm mới đường giao thông nông thôn, thủy lợi và các công trình phúc lợi; tham gia đóng góp làm trên 100 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, kiên cố hóa trên 1.000 km đường giao thông nông thôn... Chưa kể, người dân còn thành lập gần 650 tổ tự quản bảo vệ môi trường, gần 5.500 tổ hợp tác và trên 750 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới… Từ cấp cơ sở cho tới các thôn/bản, ban phát triển, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập. 

Các ban này đã thực hiện bình quân trên 600 cuộc giám sát mỗi năm với nội dung giám sát chủ yếu là việc thực hiện các tiêu chí NTM. Nhờ đó, đã có tác động tích cực đến chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lực xây dựng công trình hạ tầng trên các khía cạnh: giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình, giảm chi phí đầu tư ngân sách, góp phần bảo đảm chất lượng công trình và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.

Một xã đạt chuẩn NTM không chỉ là hoàn thiện về cơ sở hạ tầng mà còn cả nâng cao về trình độ dân trí, có đời sống văn hóa lành mạnh, tiên tiến, an ninh, trật tự ở địa phương được bảo đảm -  những tiêu chí này hoàn toàn phụ thuộc vào nhân dân. Bởi vậy, để NTM thành công và bền vững, vai trò chủ thể, sự đồng thuận trong nhân dân cần tiếp tục được khẳng định và phát huy. 

Để thực hiện điều đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương cần thực hiện tốt công tác dân vận, khơi dậy ở người dân tinh thần chủ động, tích cực tham gia XDNTM, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân chủ động tham gia, thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình; xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao vai trò của người dân. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua "Yên Bái chung sức XDNTM” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong XDNTM, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong nhân dân, cộng đồng, xã hội…

Toàn tỉnh hiện còn 39 xã chưa đạt chuẩn NTM đều là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do vậy, thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Song, tin tưởng rằng, với những bài học, kinh nghiệm từ thực tiễn, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng thuận với vai trò chủ thể của nhân dân sẽ giúp Yên Bái hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch này. 

Đến tháng 11/2024, Yên Bái có 111/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 254 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Thực tiễn quá trình XDNTM đã cho thấy nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện thì sẽ sớm về đích NTM và ngược lại.

Hoài Anh

Tags Yên Bái nông thôn mới xã Nậm Khắt dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra dân giám sát dân thụ hưởng

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm của gia đình ông Đặng Văn Sơn ở thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu cho thu nhập ổn định.

Thành phố Yên Bái luôn chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau cơn bão số 3, nhiều tiêu chí bị ảnh hưởng nhưng thành phố Yên Bái quyết tâm và nỗ lực vượt khó để xây dựng 6 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2024.

Xã Đại Đồng, huyện Yên Bình tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi giữa các thôn trong xã và giao lưu với các xã bạn.

Qua gần 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ xã Đại Đồng, huyện Yên Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã thực hiện hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; xây dựng xã đã đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao và cán đích NTM kiểu mẫu trong năm nay.

Hệ thống đường nông thôn ở xã An Phú, huyện Lục Yên được mở rộng, cứng hóa bảo đảm nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân.

Xã An Phú, huyện Lục Yên vừa “cán đích” nông thôn mới (NTM) với những đổi thay từ diện mạo nông thôn đến đời sống nhân dân. Đây là kết quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã khi biết khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân gắn với phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Người dân Mù Cang Chải chung sức xây dựng nông thôn mới.

Việc dễ làm trước, khó làm sau, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng xã, từng bản và khả năng đóng góp của người dân, đến nay, huyện Mù Cang Chải đã có 36/93 bản đạt chuẩn bản nông thôn mới (NTM).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục