"Nhọc nhằn" cổ phiếu ngân hàng
- Cập nhật: Thứ hai, 17/9/2007 | 12:00:00 AM
Từng “làm mưa làm gió” trên thị trường OTC, cổ phiếu (CP) các ngân hàng thương mại cổ phần giờ đây đang bước vào một giai đoạn xuống giá nhất từ trước đến nay. So với thời đỉnh cao đầu năm 2007, CP ngân hàng đã giảm giá tới 70% trên thị trường OTC.
Ngoài Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chính thức, có khoảng 20 CP ngân hàng thương mại đang được giao dịch trên thị trường OTC. Giá trên thị trường OTC không thống nhất, nhưng luôn là một thông số để nhà đầu tư tham khảo khi xác định mức giá mua vào.
Mặc dù “cơn bão” giảm giá CP trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay kéo theo sự mất giá của hầu hết các chứng khoán, cả niêm yết lẫn OTC, nhưng sự mất giá của CP ngành ngân hàng lại là một “hiện tượng” và đây đã thực sự trở thành nhóm CP “đầu tàu” nếu tính về yếu tố giảm giá CP.
Trên thị trường OTC, sự sụt giảm của CP ngân hàng thực sự đã trở thành bài học đau xót đối với giới đầu tư khi giá trị CP giờ chỉ còn khoảng 1/3 so với hồi đầu năm mà bán vẫn khó có người mua. Nhìn qua một số giao dịch lác đác trên thị trường OTC mấy ngày qua, giá CP của một số ngân hàng từng nổi đình nổi đám cách đây hơn nửa năm giờ chỉ còn bằng hơn 30% so với hồi đỉnh cao.
Một số nhà phân tích thị trường dự báo, có thể trong ngắn hạn, giá CP ngân hàng sẽ rất khó lấy lại được phong độ đỉnh cao như thời kỳ năm 2006. Ngoài việc bị tác động bởi xu hướng xuống giá chung của toàn thị trường thì lượng hàng vào thị trường đang dần tăng mạnh, trong khi sức cầu lại có dấu hiệu giảm. Cụ thể là, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có phương án tăng vốn điều lệ thông qua các đợt phát hành CP.
Trong khi cán cân nội tại về cung - cầu CP của các ngân hàng thương mại đang nghiêng nặng về phía cung, thì thị trường CP ngân hàng cũng đang chịu một áp lực rất lớn là sức ép bán CP để trả nợ vay của chính các cổ đông hiện hữu.
Trong khi đó, cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn chưa có động thái gì cho thấy sẽ điều chỉnh Chỉ thị 03 quy định hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại. Tác động của Chỉ thị này lên CP của các ngân hàng thương mại được đánh giá là rất nặng nề.
Lý do là, trong thời gian chưa bị khống chế cho vay đầu tư chứng khoán, các ngân hàng thương mại thường ưu tiên cho các khách hàng vay tiền để mua CP ngân hàng và thực tế phần lớn vốn tín dụng được cấp cho đầu tư CP đã được đầu tư vào CP ngân hàng. Do đó, đến nay, chính các cổ đông từng vay tiền để nắm giữ CP ngân hàng đang sắp đến hạn trả nợ vay và không thể được vay thêm, nên chỉ còn cách duy nhất là bán CP để trả nợ.
Chính vì vậy, cho dù tình hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong năm 2007 được đánh giá là không đến nỗi nào, nhưng giá CP ngân hàng khó có sự phục hồi đáng kể do số nhà đầu tư muốn bán ra vẫn chiếm số lượng áp đảo.
(Theo VTC)
Các tin khác
Những dự đoán lạc quan về thị trường được các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước công bố; các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mở rộng đầu tư; các doanh nghiệp niêm yết đạt kết quả kinh doanh tốt... thế nhưng, xu thế chủ đạo của thị trường vẫn là sụt giảm.
Trong khoảng một tháng trở lại đây, việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) tính nhầm "room" cho nhà ĐTNN đối với các mã cổ phiếu STB, ABT và ITA khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, liệu những thao tác khác có nhầm lẫn gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư? Ở một khía cạnh khác, lượng cầu ngoại tăng vọt khi room được nới rộng hơn cho thấy sức hấp dẫn từ những cổ phiếu hết room.
Đã gần nửa tháng 9, liệu thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thay đổi gì lạc quan hơn trong những tháng tới? Sự quan tâm của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với TTCK Việt Nam như thế nào...
Theo Ban soạn thảo Dự Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), quá trình lấy ý kiến toàn dân về dự thảo này đã hoàn tất. Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất là việc đánh thuế TNCN từ chứng khoán, bao gồm cổ tức và chuyển nhượng vốn.