Bảo tồn Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
- Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2014 | 1:52:11 PM
Việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng góp phần củng cố thêm niềm tin, niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Thi gói bánh chưng trong Lễ hội Đền Hùng 2013.
|
Tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực triển khai khá hiệu quả việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp này.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tỏa sáng, lan rộng
Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang - nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam.
Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ mà trải khắp đất nước Việt Nam với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước. Ngoài ra, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài xác định "con cháu ở đâu thì tổ tiên ông bà ở đó" nên họ vẫn thờ cúng Vua Hùng.
Chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công khai quốc, sinh dân.
Nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ dòng tộc giữa các Vua Hùng với mọi thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến đương đại và mai sau. Mối liên hệ ấy là sợi dây liên kết tinh thần giữa thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh quan niệm sống của người Việt Nam luôn trọng tình nghĩa, thủy chung, sự biết ơn, tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Cùng chung tay bảo vệ di sản
Để bảo tồn di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được đầu tư khang trang với các khu chức năng như rừng quốc gia Đền Hùng, khu trung tâm lễ hội, khu tháp Hùng Vương, làng du lịch văn hóa Hùng Vương, khu nhà văn hóa Hùng Vương, khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Sở cũng tích cực mở rộng địa bàn kiểm kê tới các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ Vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các Di tích lịch sử thờ Vua Hùng và các nhân vật thời Hùng trong cả nước là hết sức cần thiết.
Tỉnh Phú Thọ cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện chương trình hành động quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cam kết với UNESCO về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước 2003. Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổng kiểm kê di sản văn hóa trong cả nước và ở các quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống.
Tỉnh triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý di sản văn hóa, đi đôi với chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ gắn bó với nghề và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...; phối hợp với Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cải tiến nâng cao chất lượng giờ dạy về các truyền thuyết liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ trong chương trình các môn học lịch sử, ngữ văn ở các cấp học...
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Sáng ngày 2-4 (tức mồng ba tháng ba năm Giáp Ngọ), tại xã Kim Thái, UBND huyện Vụ Bản (Nam Định) tổ chức khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2014.
UBND TP Hạ Long, Quảng Ninh sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa quốc tế Wanokai, Nhật Bản tổ chức Lễ hội hoa anh đào lần thứ 2, từ ngày 11-13/4/2014.
Cứ vào tháng ba âm lịch hằng năm, đồng bào trong và ngoài nước lại tìm về núi Nghĩa Lĩnh thắp nén hương thơm, tri ân công đức Tổ tiên. Để Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội kiểu mẫu, đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã được tỉnh Phú Thọ triển khai đồng bộ, sẵn sàng đón du khách và đồng bào cả nước hành hương về đất Tổ; Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, bắt đầu từ 6 giờ ngày 3-4 đến 18 giờ ngày 9-4.