Để có chuyến nghỉ lễ như ý dịp 30/4 ở Sapa

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2014 | 1:59:09 PM

Tuần lễ văn hóa du lịch Sapa (từ ngày 29/4 đến 4/5) là dịp để bạn thư giãn trong bầu không khí mát mẻ như xứ sở cận ôn đới và khám phá các bản làng dân tộc vùng cao.

Cả thị trấn Sapa chìm trong màn sương lúc sáng sớm.
Cả thị trấn Sapa chìm trong màn sương lúc sáng sớm.

Với nhiều hoạt động hấp dẫn và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Sapa (Lào Cai) là sự lựa chọn hấp dẫn cho kỳ nghỉ lễ tới đây của bạn.

Chuẩn bị

Bởi thời tiết Sapa khá lạnh vào sáng sớm và đêm nên bạn cần chuẩn bị áo khoác ấm. Ngoài ra, một đôi giày đế mềm để leo núi và ủng trong trường hợp trời mưa rất hữu ích. Ngoài máy ảnh, điện thoại để chụp hình, bạn có thể mua trước bản đồ Sapa để nắm rõ lộ trình, tránh bị lạc đường và phân bổ thời gian hợp lý.

Bạn nên chuẩn bị chút đồ ăn nhẹ, nước uống đóng chai để lấy lại sức trên quãng đường di chuyển. Đôi khi những gói kẹo mang theo bạn còn có thể dành làm quà cho trẻ em dân tộc. Và sẽ không thừa nếu trước khi đi bạn kiểm tra lại các giấy tờ cần mang theo như bằng lái, chứng minh thư... vì sẽ cần khi thuê xe, phòng khách sạn.

Đi lại

Tàu hỏa: Vé khứ hồi bán tại ga Hà Nội, giá khoảng 135.000 - 600.000 đồng/ người/ lượt, tùy thuộc là ghế, giường cứng hay mềm, điều hòa hay không, toa 4 hay 6 giường. Tuyến Hà Nội - Sapa cũng có một số toa hạng sang (giường nằm hoặc ghế ngồi) ốp gỗ, điều hòa, rộng rãi với giá từ 770.000 đến 3,8 triệu đồng/ người/ lượt.

Tàu khách thường đi buổi tối, khởi hành vào19h40, 20h35, 21h10 và 21h50, mất khoảng 8 tiếng đến ga Lào Cai. Từ đây, bạn đi xe khách khoảng một giờ đến thị trấn Sapa với giá vé 50.000 đồng/ lượt.

Nếu muốn mang xe máy, bạn cũng có thể gửi theo tàu, nhưng chỉ để lại lượng xăng vừa đủ đến ga vì chúng sẽ bị rút hết khi cho lên tàu. Phí gửi xe máy là 228.000 đồng/ chiếc

Ôtô: Từ các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát, Lương Yên đều có xe giường nằm đi 8-9 tiếng đến Lào Cai, với các chuyến ngày và đêm. Giá khoảng 200.000 – 280.000 đồng/ vé/ chiều. Nếu không muốn bắt tiếp xe từ Lào Cai đi Sapa, bạn có thể mua thẳng vé từ Hà Nội lên Sapa ở một số nhà xe như Sao Việt, Hưng Thành, Hải Vân... giá khoảng 320.000 đồng/ người. Bạn nên đặt vé trước để có chỗ tốt nhất.

Xe máy: Nếu chọn đi xe máy, bạn có thể chọn một trong hai cách sau:

- Lộ trình 1 qua Lào Cai: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sapa (Tổng đường khoảng 360 km)

- Lộ trình 2 qua Lai Châu: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Thanh Sơn – Dọc QL32 – Sapa (Tổng đường hơn 420 km)

So với lộ trình 2, lộ trình 1 gần và dễ đi hơn, nhưng nếu qua Lai Châu bạn sẽ được chinh phục hai trong “tứ đại đèo” huyền thoại của Tây Bắc là Khau Phạ và Ô Quý Hồ.

Di chuyển tại Sapa: Ngoài các điểm du lịch ở trung tâm thị trấn có thể đi bộ, còn lại bạn nên thuê xe máy để tiện khám phá. Giá thuê xe khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/ ngày (xăng tự đổ).

Chỗ nghỉ

Ở Sapa có rất nhiều lựa chọn để nghỉ đêm. Phổ biến nhất là các khách sạn 2 - 3 sao có giá 200.000 - 300.000 đồng/ phòng/ đêm trên đường Fansipan, Thác Bạc, Cầu Mây... Nếu muốn nghỉ dưỡng, bạn có thể chọn các khách sạn 4 sao nằm ở đường Xuân Viên, Đồng Lợi, Mường Hoa, giá 2 - 4 triệu/ phòng/ đêm. Với loại hình homestay ở các xã Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Lao Chải..., bạn chỉ phải trả 70.000 - 100.000 đồng/ người/ đêm.

Dù chọn loại hình nào, bạn cũng nên đặt trước sớm, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.

404278-2606052919779-193753521-1548-6246

Các nhà nghỉ, khách sản ở Sapa trải dọc theo triền núi, đón ánh nắng bình minh.

Chỗ chơi

Các bản dân tộc: Cát Cát, Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn (cách trung tâm thị trấn từ 8 đến 20 km) là nơi du khách có thể tham quan, khám phá đời sống sinh hoạt và lao động thường nhật của những người dân vùng cao Sapa. Với phong cảnh núi rừng nguyên sơ, quyến rũ, bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, xanh mát ở nơi đây.

Các dòng thác: Thác Bạc, thác Tình Yêu (cách thị trấn 12-15 km) nằm khá gần đường quốc lộ, rất thuận tiện cho du khách. Từ xa, bạn đã có thể nghe thấy tiếng thác đổ ào ào và dòng nước tuôn trào như suối bạc. Ngoài ra, thác cá nhảy ở giữa làng du lịch sinh thái Bản Hồ cũng rất thu hút khi vào mùa gió nam, từng đàn cá kéo về đây đẻ trứng, chen chúc nhảy lên theo thác nước. 

Cầu Mây: Cách thị trấn Sapa khoảng 17 km về phía đông nam, cây cầu bắc qua sông Mường Hoa được kết bằng dây mây là điểm đến rất được yêu thích của nhiều du khách. Ngoài vẻ hoang sơ hòa quyện với khung cảnh núi rừng, cây cầu còn mang đến cảm giác bồng bềnh như trên mây vào ngày sương mù phủ kín.

Bãi đá cổ Sapa: Là khu di tích nằm tại thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van huyện Sa Pa. Bãi đá trải rộng 8 km2 với gần 200 khối đá có hoa văn kỳ lạ. Đây như một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở Sapa.

Cổng trời: Cách thị trấn Sapa khoảng 18 km về hướng bắc, đây là đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam có thể đi tới để chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan. Không chỉ là điểm ngắm đẹp, đường lên cổng trời còn ấn tượng khi uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp với những bóng nắng chạy dài thoắt ẩn thoắt hiện.

Fansipan: Với độ cao 3.143 m, được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương", Fansipan là đích đến của nhiều bạn trẻ mê chinh phục. Bạn có thể leo lên đỉnh Fansipan trên 2 tuyến: Tuyến du lịch Suối Vàng - thác Tình yêu và tuyến leo núi từ Trạm Tôn lên đỉnh Fansipan. Hiện các tuyến du lịch khác trong vườn quốc gia Hoàng Liên vẫn tạm dừng cấp phép và bán vé.

Trong thị trấn: Hồ Sapa, núi Hàm Rồng, nhà thờ đá, chợ đêm,... là những điểm du lịch không thể bỏ qua khi thăm thị trấn Sapa.

Ăn uống, thư giãn

Đồ nướng: Ngoài đặc sản thịt lợn cắp nách nướng, bò cuộn cải, ngô khoai nướng, ở Sapa còn nhiều món đồ nướng ngon và lạ như trứng nướng, lòng nướng, dạ dày nướng, gà nướng, khoai tím nướng, trứng gà, trứng vịt lộn nướng...

Bạn có thể thưởng thức các món nướng này ở phố Hàm Rồng dọc nhà thờ đá, khu vực hồ Sapa hay ở bất cứ góc nhỏ nào trong thị trấn, thậm chí là các điểm du lịch như thác Tình Yêu, thung lũng Mường Hoa.

Các món khác: Sapa còn nổi tiếng với các món chế biến từ cá hồi, cá tầm, gà đen và rau các loại như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, su su, ngồng cải... Tất cả cũng có thể kết hợp thành một nồi lẩu đậm chất Sapa mà không nơi nào có được. Bạn cũng đừng bỏ qua cơm lam, thắng cố, rượu táo mèo, rượu ngô Bản Phố... khi đến đây.

Khu chợ ẩm thực Sapa, các nhà hàng trên phố Xuân Viên, Cầu Mây, Thác Bạc... là nơi bạn có thể ghé lại để chọn cho mình các món đặc sản cho bữa trưa và tối.

Cà phê: Quán cà phê ở Sapa khá phổ biến, nơi có nhiều view đẹp phải kể đến phố Cầu Mây với phong cách châu Âu lãng mạn. Thưởng thức một ly cà phê nóng hổi trong hơi sương se lạnh, bạn sẽ cảm nhận được âm hưởng độc đáo, thú vị của cuộc sống vùng cao.

Bar: Nếu thích sôi động hơn, bạn có thể ghé một số quán bar như Táu Bar, Delta Bar, Royal Bar, Valley View Bar ở Cầu Mây, Bamboo Bar, Mountain Bar & Pub, H'mong Sister Ba ở Mường Hoa, Gecko Sapa Bar ở Hàm Rồng...

Tắm lá người Dao: Chi phí dịch vụ tắm lá khoảng 200.000 đồng/ lần. Ngoài các cơ sở tắm lá người Dao ở trong thị trấn Sapa, nhiều khách du lịch còn tìm đến Hợp tác xã Dao Đỏ Sa Pa, xã Tả Phìn (cách thị trấn 12 km) để được phục vụ dịch vụ này.

16715-4518451673968-1320340702-8480-9300

Đường vào bản Cát Cát.

Mua sắm

Đào "rọ": Là thứ đặc sản nổi tiếng làm quà, những trái đào Sapa có vị chua thanh, ngọt mát. Ngoài khu chợ Sapa, bạn có thể mua đào "rọ" trên các xe thồ, vỉa hè dọc con đường bên trong thị trấn hoặc từ Sapa về Lào Cai. Bạn nên mua chiếc rọ để đựng đào mang về làm quà thay vì bằng túi nilông vì có thể khiến đào bị dập nát.

Thổ cẩm: Đó có thể là những tấm thổ cẩm trang trí hoặc các vật dụng họa tiết thổ cẩm như khăn, túi, balô, vỏ gối, váy, áo, chăn... Một số cửa hàng bán đồ thổ cẩm trên phố Cầu Mây: cửa hàng cô Nguyễn Lăng Vân, cửa hàng Hue Silk, cửa hàng thổ cẩm Phố núi Sapa, cửa hàng thổ cẩm Lan rừng Sapa... Tại một góc nhỏ trên tầng 2 chợ Sa pa cũng bán rất nhiều loại thổ cẩm của người dân tộc với nhiều nét hoa văn họa tiết của người Mông.

Thuốc lá, thuốc nam: Ngoài một số vị thuốc như cam thảo, bạch truật, ngũ gia bì, hạt sen, tâm sen, tam thất, đương quy, xuyên khung, bát mộc hương, đỗ trọng… bạn cũng có thể mua chợ hoặc các nhà thuốc Đông y ở Sapa: sơn trà, mật ong rừng, nấm linh chi...

Đồ lưu niệm: Bạn có thể mua một số món đồ trang sức làm từ vàng, bạc, thủ công mỹ nghệ làm quà tặng tại các cửa hàng trên phố Cầu Mây, Mường Hoa, Fansipan như Viet Silver, Mường Hoa shop, cửa hàng đá mỹ nghệ, Sapa silver, Woodcarving shop...

Các hoạt động tại Tuần văn hoa Du lịch Sapa 2014:

- Lễ khai mạc: 20h ngày 30/4 tại sân Quần huyện Sapa.

- Lễ hội trên mây: 9h30 ngày 2/5 tại khu du lịch Hàm Rồng.

- Ngày hội văn hóa bản Mông Cát Cát: 9h ngày 1/5 tại thôn Cát Cát xã San Sả Hồ.

- Chương trình “Một ngày làm nông dân Sa Pa”: 9h ngày 3/5 tại xã Tả Phìn.

- Lễ cấp sắc của người Dao đỏ: 9h ngày 3/5 tại sân Quần thị trấn Sapa.

- Triển lãm ảnh nghệ thuật “ Sắc màu Sapa”: 9h ngày 30/4 tại công viên Xuân Viên, huyện Sapa.

Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: trình diễn các điệu dân ca, dân vũ cùng các trò chơi dân gian tại Khu du lịch sinh thái núi Hàm Rồng; Hội chợ ẩm thực vùng cao tại khu chợ Thông tin và Du lịch; Trưng bày hoa, cây cảnh và các sản phẩm đặc trưng của 6 dân tộc anh em tại công viên trung tâm thị trấn Sa Pa; Đêm chợ tình tại các tuyến phố Thác Bạc, Cầu Mây, Hàm Rồng, Xuân Viên; Giải quần vợt cúp Fansipan mở rộng lần thứ VII tại sân Quần vợt huyện Sapa.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Ngày 23/4, UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) đã chính thức công bố Quyết định quy hoạch danh mục ga đến và các điểm trụ cáp treo thuộc Quần thể du lịch văn hóa, dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan.

Amanoi Resort giữa vùng thiên nhiên hoang dã Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Khách sạn Amanoi (Ninh Thuận) vinh dự lọt top 33 khách sạn mới tuyệt vời nhất thế giới 2014 theo bình chọn của tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler.

Quốc Tử Giấm - một trong những địa điểm thu hút 
du khách.

Dịp 30/4 – 1/5 năm nay, do được nghỉ dài ngày nên lượng khách du lịch tăng cao so với các kỳ nghỉ khác. Tại Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội, lượng khách tăng từ 150% - 300% so với cùng kỳ năm 2013, tùy theo từng thị trường.

Ngày nay, xôi nếp nương được chiên lên ăn cùng với ruốc cũng mang lại hương vị hấp dẫn.

Các món ăn của người dân tộc ở Điện Biên được chế biến rất cầu kỳ, nhất là nghệ thuật sử dụng các loại gia vị độc đáo của núi rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục