Đền thờ Nguyễn Trãi uy nghiêm nơi danh thắng Côn Sơn
- Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2014 | 7:24:11 AM
Côn Sơn cổ kính, thanh bình, là di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất nước như Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi.
Khu đền thờ Nguyễn Trãi tôn thêm vẻ đẹp, nâng cao tầm vóc khu di tích Côn Sơn
|
Côn Sơn thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương không chỉ là một danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam mà còn là nơi hội tụ các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Địa danh nổi tiếng này còn gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các bậc tiền nhân có công với đất nước như Tể tướng Trần Nguyên Hãn và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm trong khu Côn Sơn, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, được khánh thành vào tháng 9/2002. Đền được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc liền với núi Kỳ Lân có kiến trúc theo truyền thống trong một khuôn viên đẹp. Con suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền tạo nên khung cảnh trữ tình. Con đường dẫn vào đền chính qua một chiếc cầu đá, nghi môn nội, nghi môn ngoại trước khi đến tam quan, điện thờ. Ngoài ra, còn có hai nhà tả vu, hữu vu, Nhà Bia, Am hoá vàng... Trong tam quan có pho tượng Nguyễn Trãi đúc bằng đồng. Ngôi đền là biểu hiện to lớn lòng biết ơn, sự trân trọng của nhân dân ta đối với người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Phía sau đền thờ Nguyễn Trãi, về bên phải núi Kỳ Lân là nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học xưa. Nay chỉ còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn được gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá "năm gian" (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách. Đứng dưới tán những hàng thông, tùng xanh râm mát, yên ả, ngẩng nhìn mây trắng, nắng vàng trên bầu trời xanh mới thấm hiểu nguyên do tại sao Nguyễn Trãi chọn nơi thanh cao giữa thiên nhiên này để ở ẩn và đã cho ra đời những thi phẩm có giá trị cho muôn đời sau.
Từ đền thờ Nguyễn Trãi sải bước trên con đường nhỏ về phía bên trái sẽ lên tới đền thờ Trần Nguyên Hãn. Ông là đại công thần nhà Lê và là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi.
Nằm phía trên cả đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Trần Nguyên Hãn là đền thờ Trần Nguyên Đán, gần thượng nguồn suối Côn Sơn. Tại Côn Sơn, Trần Nguyên Đán cùng vợ đã nuôi dậy cháu ngoại Nguyễn Trãi trưởng thành. Năm 1390, Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông, sắc chỉ cho nhân dân lập đền, tạc tượng thờ tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng Đền thờ xưa không còn. Năm 2005, tỉnh Hải Dương xây dựng Đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông. Trong đền hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo nghi thức truyền thống. Tượng Quan Đại Tư Đồ thần thái uy nghiêm, nhân từ đặt trong đền. Bên cạnh là một bàn cờ tướng khá to.
Các đền thờ: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán tại Côn Sơn đều rất đẹp và hợp thành một quần thể hòa hợp với quần thể chùa Côn Sơn.
Côn Sơn cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm vào tháng 2/1965. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun (tên gọi khác của chùa Côn Sơn nằm cách đó không xa).
Nằm cách chùa Côn Sơn khoảng 5km là đền Kiếp Bạc - một di tích lịch sử nổi tiếng - là nơi thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – 3 lần đánh thắng quân Nguyên.
Côn Sơn, địa danh vừa quen thuộc vừa thiêng liêng đối với người dân nước Việt. Về với Côn Sơn, du khách không đơn thuần là thăm một danh thắng, vãn cảnh, mà đây thực sự còn là chuyến hành hương về nơi linh thiêng để tri ân, tưởng nhớ đến Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của đất nước và thế giới.
Một số hình ảnh về đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn:
Cổng vào khu đền thờ Nguyễn Trãi, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Đền thờ Nguyễn Trãi tôn thêm vẽ đẹp, nâng cao tầm vóc khu di tích Côn Sơn - nơi được Bộ Văn hoá xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng năm 1994.
Cầu đá dẫn vào nghi môn nội và đền chính
Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ông không chỉ được đất nước vinh danh mà còn được Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Danh nhân Văn hoá Thế giới.
Trong đền đặt bức tượng Nguyễn Trãi bằng đồng cao 1,4m nặng 600kg, được lấy mẫu từ bức họa trong nhà thờ họ Nguyễn ở Nhị Khê
Từ Đền chính nhìn xuống là một không gian rộng, thoáng đãng, yên bình
Từ bên trái đền thờ Nguyễn Trãi là đường lên đền thờ Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán
Đền Thanh Hư, nơi thờ Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán được xây dựng trên nền nhà cũ, nơi ông cùng vợ đã nuôi dậy cháu ngoại Nguyễn Trãi trưởng thành.
Sống giữa thiên nhiên, trong lành, quanh là núi non hùng vĩ, thông reo, suối chảy róc rách tạo
nên nguồn thi hứng dạt dào cho các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Trần Nguyên Đán cho ra đời những thi phẩm đẹp, có giá trị muôn đời sau.
Khu đền thờ Nguyễn Trãi được Bộ Văn hoá trước đây (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia đợt I năm 1962 và xếp hạng đặc biệt quan trọng năm 1994.
(Theo VOV)
Các tin khác
Website du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor vừa công bố kết quả cuộc nghiên cứu thường niên về các thành phố đắt nhất và rẻ nhất thế giới đối với chuyến du lịch ngắn hạn dành cho 2 người.
Nhằm đạt mốc 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020, Nhật quyết định nới lỏng quy định thị thực đối với một số nước Đông Nam Á và nhân đôi số lượng các cửa hàng miễn thuế.
Bốn ngày sau khi đội chủ nhà chiến thắng trước Croatia trong trận ra quân mở màn World Cup 2014, nước đăng cai Brazil cũng đã đạt thành công lớn trong mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch nước nhà trong thời gian diễn ra giải bóng đá được mong chờ nhất thế giới này.
YBĐT - Yên Bái là điểm tiếp giáp vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, giữ vị trí bản lề giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có khoảng 30 dân tộc chung sống, trong đó 13 dân tộc có dân số từ 5.000 người trở lên. Yên Bái có lịch sử, văn hóa rất đa dạng được dẫn động từ kinh đô Văn Lang, kinh đô Thăng Long cổ xưa và từ phương Bắc xuống.