Vàng lúa chín nương, trắng hồng tam giác mạch
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/8/2014 | 8:07:24 AM
Khó có nơi nào mang lại cho du khách nhiều cảm xúc như vùng núi cao Đông - Tây bắc mỗi độ thu về. Kỳ vĩ mà lãng mạn, bức tranh của đất và trời thu Đông - Tây bắc dần chuyển màu từ vàng rực của mùa lúa chín nương sang trắng hồng man mác của mùa hoa tam giác mạch. Đó cũng chính là lý do chùm tour Đông -Tây bắc của Saigontourist đang thu hút đông du khách Việt Nam và Việt kiều.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang).
|
Mùa lúa chín ở Đông - Tây bắc thường rơi vào khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, còn từ cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11 hàng năm là mùa của hoa tam giác mạch khoe sắc thắm. Vẻ đẹp quyến rũ của vùng địa đầu Tổ quốc làm trỗi dậy cảm xúc thăng hoa đối với những người đã quen với cuộc sống đời thường nơi phố thị và đánh thức nỗi nhớ trong lòng những ai thích chinh phục bao điều kỳ thú của thiên nhiên.
Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ
Du lịch Đông - Tây bắc mùa thu cũng đồng nghĩa với chuyến chinh phục những đỉnh cao hùng vĩ của nơi này. Theo cung Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Sapa (Lào Cai), du khách sẽ đi qua đèo Khau Phạ - “tứ đại đèo” của vùng cao Tây bắc; đèo Ô Quy Hồ uốn lượn quanh dãy Hoàng Liên Sơn hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc với chiều dài lên tới gần 50km và cao gần 2.000m, trên đỉnh quanh năm mây phủ; hay ngắm “nóc nhà Đông Dương” - đỉnh Fansipan hùng vĩ tại sân Mây…
Còn nếu theo cung Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Lũng Cú - Mèo Vạc (Hà Giang), du khách sẽ bước tới cổng trời Quản Bạ, nơi được ví von là có thể “cúi mặt chạm đất, với tay chạm trời”, quanh năm sương mù bao phủ; ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng núi đôi Cô Tiên mang nét mềm mại và tròn trịa theo dạng bát úp - tuyệt phẩm của thiên nhiên đã tạo nguồn cảm hứng cho bao truyền thuyết vô cùng lãng mạn. Chinh phục đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ, để rồi kinh ngạc khi đặt chân trên những “vườn đá”, “rừng đá” tai mèo mang hình thù kỳ lạ cùng những dãy núi trùng điệp, hùng vĩ ở Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; hay tự hào khi lên tới cột cờ Lũng Cú - nơi đánh dấu điểm địa đầu cực Bắc của Tổ quốc…
Vẻ đẹp quyến rũ miền sơn cước
Nhưng điều khiến du khách chờ đợi nhất trong chuyến du ngoạn thu Đông - Tây bắc chính là vẻ đẹp đến mê hồn của những thửa ruộng bậc thang, mà nơi đẹp nhất là những thửa ruộng ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình (đều thuộc Mù Cang Chải) - đã được xếp hạng là danh thắng quốc gia. Những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi trông như những nấc thang khổng lồ bắc lên trời. Và thấp thoáng đây đó trên nền bức tranh khổng lồ vàng rực màu lúa chín nương ấy là những tấm lưng của bà con người dân tộc Mông, Dao… Họ cần mẫn làm việc cho một mùa bội thu, và cũng làm nên một kiệt tác về sắc màu tự nhiên đẹp lạ của vùng cao.
Từ tháng 10 trở đi, khi những thửa ruộng bậc thang vừa mới thu hoạch xong là đến mùa hoa tam giác mạch. Đây là loại hoa đặc trưng của vùng núi phía Bắc, tuy nhiên chỉ ở Hà Giang, hoa tam giác mạch mới được trông nhiều và đẹp nhất. Nảy lên từ mày lúa, mày ngô, những cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác giữ ở giữa hạt mạch quý… Trong vòng một tháng, hoa nở màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím, rồi cuối cùng là đỏ sậm. Hoa mọc bạt ngàn trên cánh đồng, khi mọc chênh vênh thành những nương hoa, khi lại ẩn mình lấp ló trong kẽ đá, và hoa làm duyên đâu đó trước mỗi hiên nhà người dân vùng cao. Hoa dân dã nhưng lại có nét quý phái với gam màu trắng - hồng như hiện thân của tình yêu, hạnh phúc, thu hút bao cặp đôi đến để chụp ảnh cưới. Hoa mỏng manh là thế nhưng lại có sức mê hoặc bao tay máy săn ảnh từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư.
Tìm hiểu đời sống người dân vùng cao
Sau khi mãn nhãn với vẻ đẹp của những nương lúa chín vàng hay đồng hoa tam giác mạch, đây là lúc du khách thỏa cơ hội khám phá đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao: xem biểu diễn múa hát dân gian của các dân tộc thiểu số, ngắm toàn cảnh Sapa trong sương thơ mộng và “nóc nhà Đông Dương” - đỉnh Fansipan hùng vĩ; Cát Cát - bản làng lâu đời của người Mông, nơi còn lưu giữ nhiều phong tục độc đáo cũng như nhiều nghề thủ công truyển thống.
Thú vị không kém là chuyến khám phá khu nhà họ Vương - là dinh cơ kiêm pháo đài, được xây dựng kiên cố bằng đá xanh và gỗ samu vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; dừng chân nơi Phố Cáo, thăm những nếp nhà truyền thống người Mông vẫn còn khá nguyên vẹn; làng dệt vải lanh Lùng Tám nổi tiếng của dân tộc Mông Trắng. Nối tiếp là chợ huyện Mèo Vạc quyến rũ bởi bức tranh đa sắc, sống động về văn hóa và trang phục các dân tộc vùng cao. Trong phiên chợ, những mẹ những chị mặc đồ mới đủ màu, vai gùi thêm con gà hay mớ cải; các anh dập dìu trên lưng ngựa, thế nào cũng có can rượu ngô trong túi nải. Và hãy một lần thử các món đặc sản thắng cố, mèn mén, cháo Ấu Tẩu… có thể hơi lạ lẫm nhưng vô cùng đậm đà nếu đã quen vị.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Trải dài trên 2,2km dọc đại lộ Karl-Marx-Alle Berlin, không có “vườn bia” nào của các nước bạn, lại rộng và tụ hội đông như của người Việt.
Vừa qua, đoàn Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành điều tra khảo sát 14 di tích, trong đó có 13 di tích thềm sông cổ và 1 di tích hang động tại 4 huyện của tỉnh Hà Giang thuộc khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, phát hiện hàng trăm di vật khảo cổ.
Lễ hội Obon Nhật Bản sẽ diễn ra trong hai ngày (9 - 10.8) tại Times City (458 Minh Khai, Hà Nội), do Câu lạc bộ Văn hóa Nhật Bản của Trường trung học phổ thông Hà Nội - Amsterdam và Trung tâm văn hóa Yotsuba phối hợp tổ chức.
YBĐT - Ngày 4/8, Trung tâm Dạy nghề Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề du lịch tại gia đình theo mô hình thí điểm năm 2004 tại xã Đông Cuông.