Lễ hội Nước ở đất nước Chùa Tháp
- Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2014 | 8:35:15 AM
Chiều 5-11, tại thủ đô Phnom Penh, Lễ hội Nước - lễ hội lớn nhất trong năm theo lịch Khmer đã mở màn bên bờ sông Tonle Sap, phía trước Cung điện Hoàng gia.
|
Lễ hội Nước đánh dấu thời điểm nước sông Tonle Sap đổi dòng chảy, bắt đầu chu kỳ cạn của nó, ghi dấu thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở đất nước Chùa Tháp, nơi có hai mùa trong năm. Lễ hội này được coi là dịp để người dân Campuchia tạ ơn các dòng sông đã đem lại sự phì phiêu cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho họ, cầu mong “mưa thuận gió hóa” để mỗi gia đình ngày càng sung túc, đất nước ngày càng thịnh vượng.
Lực lượng hải quân Campuchia điều hơn 50 tàu cao tốc với hơn 200 binh sĩ túc trực, sẵn sàng cứu hộ trong trường hợp có thuyền đua gặp nạn.
Thành viên Ban Tổ chức Lễ hội, Phó Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia Bon Chumserey cho biết, có nhiều hoạt động diễn ra trong thời gian ba ngày Lễ hội như: đua thuyền, bắn pháo hoa, biểu diễn ca nhạc, thả hoa đăng. Đua thuyền chính là tâm điểm của Lễ hội Nước, vì thế nó còn được gọi là Lễ hội đua thuyền. Đua thuyền được tổ chức ở nhiều nơi trên cả nước, nhưng ở thủ đô Phnom Penh có quy mô lớn nhất, năm nay có sự tham gia của khoảng 200 đội thuyền đến từ khắp các tỉnh, thành phố của Campuchia và từ một số quốc gia khác.
Theo các sử liệu lưu trong Viện Phật học Campuchia, vào thời vua Jayavarman VII ở thế kỷ 12, người Khmer đã giành thắng lợi oanh liệt trong một trận thủy chiến với nước láng giềng Champa. Chiến thắng này giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng cho người Khmer và bắt đầu thời kỳ hòa bình lâu dài cho vương quốc. Tại khu vực đền Bayon nằm ở trung tâm Angkor Thom, hiện vẫn còn lưu dấu những hình ảnh khắc trên đá mô tả thủy quân Khmer với vua Jayavarman VII dũng cảm đang cầm một ngọn giáo và cung tên đứng trên thuyền. Để kỷ niệm chiến thắng này, hằng năm lễ hội đua thuyền được tiến hành tưng bừng trên khắp đất nước.
Vũ công trên mũi thuyền được coi là hiện thân của nàng tiên Apsara chở che cho con thuyền.
Trong bầu không khí náo nhiệt, trong tiếng trống, tiếng huýt sáo cổ vũ cho hàng nghìn tay chèo đang gắng sức tranh tài trên đoạn sông Tonle Sap dài hơn một cây số, cụ ông Long Seng, 75 tuổi, từng là tay chèo một thời, cho biết, thuyền đua thường được trang trí theo kiểu từ thời Angkor với những mầu sắc mang ý nghĩa khác nhau. Mầu vàng tượng trưng cho tính trung thực, mầu xanh lá cây cho sự hạnh phúc, mầu hống biểu thị lòng can đảm, mầu vàng kim loại thể hiện sức mạnh, quyền lực.
Năm nay là năm đầu tiên Lễ hội được tổ chức trở lại kể từ sau thảm họa 353 người bị giẫm đạp đến chết trong cơn hoảng loạn trên một cây cầu gần đoạn sông nơi các tay chèo đang so tài trong Lễ hội đua thuyền năm 2010.
Hơn 10.000 nhân viên an ninh được triển khai giữ gìn trật tự công cộng tại Lễ hội.
Công tác bảo đảm an ninh cho Lễ hội được Ban Tổ chức năm nay đặc biệt coi trọng. Theo Phó Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Quốc gia Campuchia, khoảng 10.000 nhân viên an ninh thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc gia và Quân cảnh Campuchia được triển khai tại thủ đô Phnom Penh để giữ gìn an ninh và trật tự công cộng trong thời gian diễn ra Lễ hội. Rút kinh nghiệm lần trước sau lễ khai mạc, công tác an ninh có phần lỏng lẻo. Lần này, an ninh sẽ được thắt chặt cho tới khi Lễ hội kết thúc.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Ngày 5/11, tại thị trấn Sa Pa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, Đặng Huy Huỳnh đã trao Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” cho Ban giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Qua Hội chợ Du lịch thế giới London 2014, Việt Nam muốn gửi đến các đối tác và khách hàng thông tin cập nhật, các hình ảnh và sản phẩm của du lịch với thông điệp về điểm đến du lịch Việt Nam “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình vừa được tờ New York Times của Mỹ, xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa điểm phải đến trong năm 2014.
Lễ hội Kéo co làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất của vùng Kinh Bắc.