Đánh thức tiềm năng du lịch
- Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2014 | 9:37:29 AM
YBĐT - Thu hút đầu tư để phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế du lịch là chủ trương nhất quán, là lĩnh vực mà Yên Bái luôn quan tâm và dành sự ưu tiên đặc biệt trong thời gian qua.
Đêm xòe Nghĩa Lộ.
|
Có lợi thế là cửa ngõ kết nối giao thông của vùng Tây Bắc, trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đặc biệt, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành đã tạo điều kiện cho tỉnh Yên Bái rút ngắn khoảng cách tới các vùng kinh tế trọng điểm như: thủ đô Hà Nội xuống còn dưới 120km; cửa khẩu Lào Cai xuống còn dưới 130km; cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190km, đồng thời cũng rút ngắn khoảng cách từ Yên Bái đến các vùng phụ cận, như Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...
Bên cạnh đó Yên Bái có khí hậu nhiệt đới ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà diện tích 19.000ha với 1.331 đảo lớn, nhỏ... Đây là tiềm năng lớn để phát triển các hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Hiện nay, du lịch khu vực cánh đồng Mường Lò, Nghĩa Lộ và Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đang được tỉnh quan tâm, đầu tư phát triển. Nằm trên quốc lộ 32, cách thành phố Yên Bái 80km về phía tây, Mường Lò không những nổi tiếng là gạo trắng nước trong mà còn là một trong bốn cánh đồng lớn của miền Tây Bắc: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với mưa thuận gió hòa, bốn mùa hoa trái tốt tươi. Du khách đến đây sẽ được ngắm sắc vàng của lúa, sắc nắng chiều thu, ngắm những ngôi nhà sàn huyền ảo trong sương sớm, hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng. Mường Lò còn có những bản làng rộn rã tiếng khèn, những câu khắp Thái, rộn rã hội Cầu Mùa, Múa Chôm Chiêng, nồng nàn trong men rượu cần và ấm áp tình người. Nơi đây còn có vũ điệu nồng say của những đêm xòe bất tận hay rộn ràng cùng trai mường, gái bản đi hội Hạn Khuống... Không chỉ có vậy, đến với Nghĩa Lộ, du khách còn có dịp được thưởng thức ẩm thực độc đáo như rêu đá, cá suối, xôi ngũ sắc... ăn một lần nhớ mãi không quên, đúng như câu ca: "Mường Lò gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về".
Nói tới ruộng bậc thang, người ta không thể không nhắc đến địa danh nổi tiếng Mù Cang Chải. Nơi đây, đâu đâu cũng có những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê hoặc lòng người. Mù Cang Chải càng được biết đến nhiều hơn khi những thửa ruộng bậc thang được cho là đẹp nhất thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007. Những thửa ruộng vàng rực lên trong sắc nắng mùa hạ báo hiệu một vụ mùa bội thu. Những mâm xôi vàng tròn xoe trên đỉnh “nấc thang vàng” hiện lên giữa núi rừng xanh ngắt. Từng khoảng ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống đúng “nấc thang vàng” mời gọi người trần gian lên trời. Hòa cùng sắc màu thiên nhiên là sắc màu rực rỡ của váy áo thổ cẩm của những chàng trai, cô gái dân tộc Mông ẩn hiện trên những thửa ruộng, những nếp nhà tranh thơm mùi khói của những bếp lửa hồng, là nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trong veo của con trẻ, của những cô, cậu bé chăn trâu…
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế du lịch, những năm qua, Yên Bái đã xác định đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển nên hoạt động du lịch đã mang lại một kết quả đáng khích lệ. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai với chủ đề "Du lịch về cội nguồn” giai đoạn 2004 - 2010 đã để lại nhiều ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.
Các hoạt động du lịch sinh thái, tìm hiểu lịch sử văn hóa các dân tộc, văn hóa tâm linh với các tuyến du lịch sông Chảy, tuyến du lịch miền Tây, tuyến du lịch sông Hồng trong lễ hội mùa xuân đã được đầu tư và bước đầu đi vào khai thác. Tuy các sản phẩm này còn sơ khai nhưng đã thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh cũng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 123 cơ sở lưu trú với trên 2.000 phòng đủ tiêu chuẩn đón khách. Hạ tầng khu du lịch sinh thái Tân Hương - hồ Thác Bà; khu du lịch sinh thái Suối Giàng (Văn Chấn) và cơ sở hạ tầng một số tuyến, điểm du lịch cũng đã bước đầu được đầu tư.
Phát huy những lợi thế về tự nhiên, về truyền thống văn hóa và sự phát triển của hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, Yên Bái sẽ đẩy mạnh xã hội hóa về phát triển du lịch, huy động các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư cùng tham gia, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, các loại hình du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản và đi vào hoạt động có hiệu quả các trung tâm du lịch như Khu du lịch sinh thái Tân Hương - hồ Thác Bà, khu du lịch sinh thái Suối Giàng, Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, vùng văn hóa Mường Lò - Nghĩa Lộ; xây dựng các tour, tuyến du lịch hoạt động thường xuyên, liên tục trong địa bàn tỉnh như: thành phố Yên Bái - Văn Chấn - Mường Lò; thành phố Yên Bái - Văn Yên; thành phố Yên Bái - Yên Bình - Lục Yên; phối hợp và liên kết với các khu, tuyến, điểm của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và cả nước; xây dựng hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 2.000 cơ sở lưu trú với trên 3.500 phòng, trong đó có một số khách sạn đạt 3 sao trở lên; thu hút 550 ngàn lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn để đạt doanh thu từ hoạt động du lịch 500 tỷ đồng trở lên.
Quang Thiều
Các tin khác
Ngày 9/12, tại Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa tổ chức giới thiệu về Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới."
Theo ước tính sơ bộ của BTC, trong 4 ngày diễn ra Liên hoan ẩm thực đã có hơn 200.000 lượt người đến tham dự các hoạt động.
Chiều 2/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới.
"Tuần lễ vàng Du lịch tại Di sản Huế" được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức từ 24 - 30/12/2014 với các ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá, dịch vụ tăng thêm cho du khách và các đơn vị lữ hành.