Quảng Ninh: Văn minh từ ý thức
- Cập nhật: Thứ ba, 18/8/2015 | 9:49:15 AM
YênBái - YBĐT - Tôi đã từng đến Quảng Ninh vài lần, những địa danh, cảnh quan, môi trường nơi đây để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, lần trở lại vùng đất mỏ ấy sau nhiều năm, tôi thực sự ấn tượng bởi văn hóa và đời sống tinh thần của người dân.
Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Đó là một buổi tối bình thường như những buổi tối mùa hè khác, chúng tôi dành thời gian đi thăm quan thành phố Hạ Long trên con đường vành đai biển. Thành phố rực rỡ đèn hoa, nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga nối tiếp nhau như càng chứng tỏ sự đổi thay và phát triển của vùng đất nổi tiếng.
Tuy nhiên, điều cuốn hút chúng tôi đó là trước thềm Bảo tàng và Thư viện tỉnh Quảng Ninh, dưới ánh sáng điện đường, những cặp đôi say sưa khiêu vũ các bản tango, slow, valse, pop, cha cha cha... Họ khiêu vũ rất đẹp, rất nhẹ nhàng. Nếu chỉ lướt qua thì chắc chắn tôi và những người mới đến sẽ nghĩ đó là thành viên của các câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ vì sự điêu luyện và chuyên nghiệp của họ.
Quan sát một hồi, tôi phát hiện thấy một người đàn ông trung tuổi đang sở hữu một bộ âm ly và nhiều đĩa nhạc. Những cặp đôi tham gia khiêu vũ là những người dân của thành phố. Họ không sinh hoạt tại CLB nào và thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Có những cặp đôi là người cao tuổi, họ đi bộ rồi dừng lại tham gia điệu nhảy phù hợp, khi bản nhạc kết thúc, họ lại dắt nhau đi tiếp con đường. Lại có đôi bạn trẻ, đang đi trên đường gặp điệu pop, dừng xe, vào khiêu vũ... Tất cả những người tham gia khiêu vũ đều đến rồi đi còn người đàn ông đang say sưa điều chỉnh bộ âm ly một cách tự nguyện, không đòi hỏi điều gì. Có lẽ những bước chân, nhịp điệu của người khiêu vũ cũng đem lại cho ông niềm vui lớn.
Cô giáo Nguyễn Bích Liên, công tác tại Trung tâm Tin học và Ngoại ngữ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Phong trào khiêu vũ này diễn ra ở Quảng Ninh đã được một thời gian dài, với tinh thần tự nguyện của mọi người. Ban đầu, những người yêu thích khiêu vũ thường đến các CLB văn hóa nhưng sau đó, một số người tự nguyện đến đây khiêu vũ và dạy cho những ai có niềm đam mê với khiêu vũ... Sau thành thói quen, tối nào cũng vậy, mọi người đến đây có thể khiêu vũ với những vũ điệu mà mình yêu thích”.
Hôm sau, chúng tôi ra thành phố Móng Cái. Phải thừa nhận rằng, Quảng Ninh những ngày tháng Năm rất đẹp. Trên con đường ra biển Sa Vĩ, nơi đâu cũng rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chuẩn bị chào mừng đại hội Đảng các cấp. Tại mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, những danh thắng, cột mốc chủ quyền lãnh thổ rất đông đảo du khách đến tham quan và tranh thủ lưu lại những bức hình, ghi dấu những điểm dừng chân ở mảnh đất thiêng liêng. Bất chợt, trời trở gió, những hạt mưa rơi lắc rắc, mọi người đều vội vã.
Tuy nhiên, khi dừng chân ở điểm du lịch văn hóa Sa Vĩ - công trình là biểu trưng văn hóa độc đáo giữa biển trời nơi mảnh đất biên cương thì hầu như sự vội vã ấy đều tan biến. Công trình rất đẹp song xung quanh chỉ được bao một đường dây xích sắt nhỏ, cao chừng 40cm. Tôi thầm nghĩ, một đứa trẻ lên 7 tuổi cũng có thể bước qua. Tuy nhiên, khi quan sát tôi thấy rất nhiều người rất muốn đi qua hàng rào đó nhưng khi đến gần họ đều trở ra và đi theo cổng chính. Thì ra, một chiếc biển nhỏ với lời nhắc nhẹ nhàng “Văn minh là không bước qua rào chắn” như vô hình chạm vào tự trọng của mỗi người.
Ca sĩ Minh Thực - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Móng Cái khẳng định: “Công trình biểu trưng văn hóa Sa Vĩ đi vào hoạt động từ tháng 10/2013 đến nay hầu như vẫn giữ được nguyên hiện trạng ban đầu, không có sự tác động, phá hoại của con người. Các hạng mục được sử dụng vẫn còn mới”. Bất chợt, tôi lại nhớ đến những chiếc biển báo thường xuất hiện ở những công cộng, đại loại như: “Cấm sờ vào hiện vật”, “Cấm bước qua rào chắn”…, gần như không phát huy tác dụng.
Trở về Yên Bái, tôi nhớ mãi những hình ảnh văn minh, văn hóa của tỉnh bạn. Tôi nghĩ, phong trào khiêu vũ ở Yên Bái đang rất phát triển nhưng nếu cũng có người tự nguyện cống hiến tài sản và niềm đam mê của mình như người đàn ông kia hoặc mọi người yêu thích môn nghệ thuật này thường xuyên tổ chức các buổi khiêu vũ thì sẽ giúp mọi người gần gũi, nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ quan văn hóa cũng nên nghiên cứu, học tập tỉnh bạn về việc treo nhưng chiếc biển báo “cấm” ở những nơi công cộng bằng những ngôn từ nhẹ nhàng, thấu tình hơn. Như vậy, Yên Bái sẽ đẹp và để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách gần xa.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
Phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù có thương hiệu, sức cạnh tranh cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và du lịch lớn của cả nước, làm động lực thúc đẩy vùng phát triển, kết nối với các vùng khác của cả nước và quốc tế.
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/8 cho biết, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Ngày truyền thống ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2015), Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu với du khách về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Cách trung tâm TP. Đồng Hới khoảng 1 km, biển Nhật Lệ được ví như một bức tranh tiên nữ với vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn nhất trong số dải bờ biển ở tỉnh Quảng Bình.
“Tuần lễ khám phá vẻ đẹp hang động kỳ vĩ ở Quảng Bình” sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 20/8 với nhiều hoạt động đặc sắc.