Dệt nên hương sắc núi rừng
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2015 | 8:58:12 AM
YênBái - YBĐT – Là mảnh đất không chỉ nổi tiếng với “gạo trắng, nước trong” cùng những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhiều du khách trong và ngoài nước còn nhắc đến Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái - mảnh đất thân thiện và mến khách này với một nghề sản xuất nhưng lại mang đậm sự tinh tế và nghệ thuật - nghề dệt truyền thống.
Không biết tự bao giờ, dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Thái Mường Lò, Nghĩa Lộ. Nghề dệt được phụ nữ Thái nối tiếp nhau, lưu truyền qua các thế hệ, tạo nên những sản phẩm, những trang phục riêng có của người Thái, không lẫn với bất cứ trang phục của dân tộc nào trong 54 dân tộc anh em.
Người Thái quan niệm rằng, người con gái khéo léo, chăm chỉ hay không đều được thể hiện qua những chi tiết nhỏ trong việc thêu dệt nên những hoa văn trên các sản phẩm mặt gối, mặt đệm, trên áo, váy, khăn piêu... Cầm trên tay tấm vải thổ cẩm, du khách có thể cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu sắc vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Những tấm vải, những hoa văn mang đậm hương sắc của núi rừng thiên nhiên ấy đã khiến người xem có thể cảm nhận được nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Thái - những người dệt nên tinh hoa đất trời.
Nghề dệt được phụ nữ Thái nối tiếp nhau, lưu truyền qua các thế hệ
Chẳng thế mà dân ca Thái đã nói về đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái với những lời có cánh: “Úp bàn tay thành hình muôn sắc/ Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”. Và đó là nét đặc trưng, mang màu sắc riêng mà người con gái Thái gửi gắm trong từng đường dệt, mũi thêu đó, để rồi du khách khi đã đến với mảnh đất Nghĩa Lộ một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến Nghĩa Lộ, cùng với những điệu xòe cổ làm say đắm lòng người, hay các sản vật của địa phương làm nức lòng du khách thì dệt thổ cẩm cũng được nhiều du khách nhớ đến. Bởi đó là món quà kỷ niệm mang đậm bản sắc riêng có người Thái Mường Lò, gửi gắm trong đó cả tấm chân tình của những thiếu nữ miền sơn cước, níu chân du khách khi đến với mảnh đất cửa ngõ miền Tây của Tổ quốc.
Ai có thể rời bước chân đi mà không say đắm, nồng nàn trong vòng xòe, trong chén rượu nồng trao tay của người em gái Thái, và hơn nữa là xao xuyến hình ảnh thiếu nữ Thái khăn piêu, áo cỏm lấp lánh hàng cúc bạc, dịu dàng bên khung cửi, tay thoăn thoắt đưa thoi, dệt cả trời thu. Ước mơ ấy với người sẽ đến đang hiện hữu khi Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò chỉ một ngày nữa thôi sẽ khai mạc vẫy gọi du khách đến với đất và người thị xã miền Tây.
Thanh Chi – Mạnh Cường
Các tin khác
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa yêu cầu sở văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý di tích, phòng chống cháy nổ, trộm cắp.
Trang CNN (Hoa Kỳ) vừa công bố danh sách 21 di sản UNESCO lớn nhất hành tinh, trong đó Thành nhà Hồ của Việt Nam xếp ở vị trí đầu tiên.
Ngày 4-9, tại Hà Giang, Dự án Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU-ESRT) đã tổ chức Phiên họp kỹ thuật Tổ thường trực và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận tỉnh Lâm Đồng.