Tái hiện lễ dựng cây nêu ngày Tết tại khu di tích cố đô Huế
- Cập nhật: Thứ ba, 2/2/2016 | 2:19:14 PM
Ngày 1/2, (tức 23 tháng Chạp năm Bính Thân), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức trọng thể Lễ thướng tiêu (dựng cây nêu) tại Đại Nội, Huế.
Quang cảnh lễ dựng cây nêu tại Đại Nội, Huế.
|
Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng và là sinh hoạt có tính điểm nhấn, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán Bính Thân sắp đến.
Nêu là một cây tre già dài 15m, do 10 lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình đảm trách, được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài tiểu nhạc.
Tại Thế Miếu, hương án với các lễ phẩm cùng đoàn bồi tự và đội đại nhạc đã sẵn sàng. Nghi thức dựng nêu gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của đại nhạc. Tiếp đó 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên, báo hiệu ngày tết đã đến trong hoàng cung.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết lễ dựng cây Nêu (hay Thướng tiêu) tức dựng cây nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới.
Tục dựng nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều các nước Á Đông. Tuy nhiên đối với người Việt Nam, sự ảnh hưởng này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc và tồn tại trong hàng ngàn năm nay.
Đối với các triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng nêu đã được đưa vào Hoàng cung và được sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình, đặc biệt là dưới triều Nguyễn. Trong suốt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn, tục dựng nêu đã được duy trì hằng năm.
Ngay sau khi tổ chức tại Thế Tổ Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự. Bên cạnh đó, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết.
Nét đặc biệt của lễ dựng nêu tại Hoàng Cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và với các nghi thức rất trang trọng. Khi cây Nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu bao giờ cũng có treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi (từ 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng).
Dưới triều Nguyễn, khi thấy trong cung dựng cây nêu thì toàn thể nhân dân cũng theo đó dựng nêu đồng loạt và bắt đầu đón Tết.
Du khách trong nước và người nước ngoài đến Cố đô Huế trong dịp này hết sức thích thú và ấn tượng với lễ dựng cây Nêu, một nét đẹp văn hóa trong cung triều Nguyễn.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Tối 30/1 (nhằm ngày 21 Tháng Chạp, năm Ất Mùi), tại chùa Phổ Quang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc lễ hội văn hóa dân tộc và Phật giáo với chủ đề “Xuân muôn phương" với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.
Sau một đêm, tuyết rơi phú kín từng cành cây, ngọn cỏ ở thị trấn Sapa (Lào Cai). Màu trắng của tuyết phủ lên thị trấn trong khi nhiệt độ càng lúc càng giảm mạnh. Nhiều du khách thức trắng đêm tới sáng để ngắm, chơi và chụp ảnh với tuyết.
YBĐT - Những ngày này, du khách khắp nơi đang đổ lên mảnh đất Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để được tận mắt chiêm ngưỡng vườn hoa tam giác mạch của gia đình anh Vàng A Khua - thôn Bản Mới. Mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ với anh Vàng A Khua - người đầu tiên mang giống hoa tam giác mạch lên trồng tại mảnh đất Suối Giàng qua phóng sự của phóng viên Báo Yên Bái.
YBĐT - Toàn thị xã Nghĩa Lộ có hơn 20 hộ làm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu ở xã Nghĩa Lợi, phường Tân An, xã Nghĩa An.