Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam vừa chia sẻ quan điểm về tour 0 đồng tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 16.10 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Vấn đề cũ, tranh cãi mới
Theo ông Tuấn, những vấn đề về tour du lịch giá rẻ không mới. Nhưng mỗi lần tranh cãi lại khiến "chủ đề" này trở nên nóng hơn. "Châu Âu hay Mỹ đều có những tour như thế này để phục vụ nhu cầu của du khách. Và ở các thị trường nói trên, tour này đều nhận được phản hồi tốt”.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, tour du lịch giá rẻ, 0 đồng tại Việt Nam cũng có những mặt tích cực. Do khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến nên tour du lịch giá rẻ vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa.
Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ là đòn bẩy tăng khả năng thu hút du khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Bên cạnh đó, tour du lịch giá rẻ đã làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn; duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với tour 0 đồng là việc biến tướng của các dịch vụ dành cho khách du lịch sau đó như việc bán hàng giả, thổi giá, lừa đảo…
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch thừa nhận thực trạng tour giá rẻ, tour 0 đồng đang chủ yếu do các công ty lữ hành nước ngoài thực hiện. "Trong đó có sự tiếp tay của một số công ty lữ hành nội địa và các hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Đối với thực trạng này, cần có sự vào cuộc mạnh tay của chính quyền địa phương như việc quản lý thuế, xiết chặt vấn đề an ninh, ….. TCDL chỉ có trách nhiệm phối hợp chứ không có đủ thẩm quyền để giải quyết những vấn đề tồn tại nói trên”.
Tour giá rẻ, 0 đồng về lâu dài sẽ làm xấu hình ảnh du lịch
Ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, về mặt lâu dài, tour giá rẻ sẽ làm xấu hình ảnh của điểm đến nếu không được quản lý một cách có hiệu quả. Việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và hoạt động quản lý điểm đến, một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của du khách chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế.
Bên cạnh đó việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) không thông qua hệ thống Ngân hàng, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, điểm mấu chốt để duy trì được tour giá rẻ hay 0 đồng là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của Công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam.
Để xử lý, ngăn chặn, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Theo báo cáo mới nhất, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 11,7 triệu lượt (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 62,1 triệu lượt (khách lưu trú đạt 30,2 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 451.200 tỉ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017).
(Theo LĐO)