Tiếng trống, chiêng như một hình thức thông báo mở đầu cho lễ hội hoặc hoạt động đó, nó không những tạo ra không khí sôi động, làm nhạc nền cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác mà còn biểu trưng cho tinh thần gắn kết cộng đồng. Chính vì vậy, trong các lễ hội và các hoạt động cộng đồng của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò không thể thiếu "Hảng cống”.
Trong các lễ hội như: rằm tháng Giêng, tết Xíp xí, Hạn khuống, xên bản, xên mường…, "Hảng cống” được bố trí sắp đặt ở một nơi trang trọng gần với nơi trang trí khánh tiết và dễ bao quát các hoạt động diễn ra nhất. Cùng với trống là dàn chiêng được treo trên giá tre vững chắc, thường gồm chiêng cái treo ở giữa và 2 chiêng con bên cạnh (những hoạt động nhỏ chỉ có một chiêng cái).
Người được lựa chọn đánh trống là thanh niên to khỏe, thành thạo các nhịp trống; người đánh chiêng có thể là nam hoặc nữ.
"Hảng cống” thường được đánh theo nhịp 1:1 (1 tiếng trống, 1 tiếng chiêng), đến khi thay đổi giai điệu hoặc chuyển đoạn người đánh sẽ đánh nhịp 1:2 hoặc 1:3 tùy theo ý của người đánh; thỉnh thoảng xen lẫn tiếng đánh đệm (cắc) vào phần cạnh trống. Tiếng trống, chiêng theo nhịp điệu thường sử dụng cho lễ hội xòe, đệm cho các điệu múa dân gian tạo ra những giai điệu âm vang, nhịp nhàng.
Tiếng trống, chiêng dồn dập thường cổ vũ cho các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đi cầu khỉ, leo cột mỡ. Tiếng trống, chiêng như báo hiệu, tượng trưng cho khát vọng của con người xua đi những rủi ro, hướng đến những điều may mắn. Chính vì vậy, mỗi bản làng của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò, người dân đều coi trống, chiêng là vật linh thiêng được treo cất trang trọng ở đầu nhà của các nhà văn hóa, nhà trưởng bản.
Người Thái Mường Lò còn có hẳn một nghi lễ "Hảng cống” diễn ra trong đêm giao thừa. Gia đình già làng, trưởng bản chuẩn bị một mâm lễ gồm có hương, hoa, rượu, bánh chưng, thủ lợn và mời thầy mo về cúng; đến đúng thời khắc giao thừa, trưởng bản sẽ thay mặt cho bà con dân bản đánh hồi trống, chiêng đầu tiên báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đã đến, mời bà con dân bản đến vui "Hảng cống”.
Sau đó, bà con cùng rước trống, chiêng ra sân nhà văn hóa của bản và treo trống, chiêng lên một dàn tre được dựng sẵn trước đó. Ở đầu dàn trống, chiêng có thắp nhang và treo bánh kẹo, 2 chiếc bánh chưng - là những lễ vật của con cháu gửi đến ông bà tổ tiên, mời tổ tiên cùng vui xuân đón tết cùng con cháu. Sau khi phần lễ hoàn tất, bà con dân bản sẽ cùng nhau đánh trống, chiêng, múa xòe, hát "Khắp” xung quanh dàn "Hảng cống”.
Nghệ nhân Điêu Thị Siêng ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Hảng cống quan trọng nhất là phần nghi lễ, thầy mo sẽ đọc lời khấn về những điều tốt đẹp, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình hạnh phúc, năm mới nhiều điều tốt đẹp, an lành đến với dân bản. Từ xưa đến nay, "Hảng cống” năm nào cũng rất đông vui, náo nhiệt, là một nét văn hóa không bao giờ có thể mai một”.
Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã khuyến khích các nghệ nhân, các già làng, những người đam mê chế tác, sử dụng trống, chiêng trên địa bàn truyền dạy cách chế tác và đánh trống, chiêng cho thế hệ trẻ; thành lập câu lạc bộ sử dụng nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò; lồng ghép các chương trình để hỗ trợ thêm đạo cụ và trống, chiêng cho các câu lạc bộ, các nhà văn hóa, các đội văn nghệ... để tiếng "Hảng cống” mãi được gìn giữ, lưu truyền.
Hạnh Quyên