Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái những năm qua đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, liên kết.
Một vấn đề quan trọng được Yên Bái tập trung thực hiện là xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo trên cơ sở lợi thế của vùng miền, địa phương để tạo ra bản sắc riêng có, hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nhắc tới Mù Cang Chải, nhiều người chắc hẳn đã bớt suy nghĩ về một huyện vùng cao khó khăn mà lưu giữ ấn tượng về một điểm du lịch ngày càng trở nên nổi tiếng và quen thuộc. Năm nay là năm thứ bảy, du khách say mê với hoạt động bay dù lượn và là năm thứ ba Festival "Bay trên mùa nước đổ” thêm sôi động, hấp dẫn.
Có thể nói, dù lượn đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc, riêng có của Mù Cang Chải nói riêng, của Yên Bái nói chung vì chưa địa phương nào trong vùng Tây Bắc có.
Nét độc đáo của sản phẩm này ở chỗ đã kết hợp một cách hết sức tài tình giữa việc tổ chức bay dù lượn trên những thửa ruộng bậc thang.
Đặc biệt, Festival "Bay trên mùa nước đổ” tổ chức vào cuối tháng 5 và Festival "Bay trên mùa vàng” tổ chức vào tháng 9 hàng năm tạo cơ hội cho du khách có những trải nghiệm tuyệt vời khi được ngắm nhìn từ trên cao phong cảnh kì vĩ, cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhất trong năm tại hai thời điểm đó của thung lũng Lìm Mông dưới chân đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ.
Cùng với bay dù lượn trải nghiệm, du khách cũng như người dân địa phương sẽ hiểu thêm, hiểu sâu, có nhận thức đúng và hành động đúng về giá trị của di sản, về bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển văn hóa, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Bên lề Festival còn có các hoạt động: giới thiệu Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, bản sắc văn hóa dân tộc, sản phẩm nông sản địa phương… Công tác tổ chức cho Festival bảo đảm chu đáo, an toàn cùng các dịch vụ hỗ trợ đã góp phần làm nên thành công tốt đẹp của hoạt động du lịch thường niên này.
Xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt dựa trên lợi thế vùng miền, địa phương sẽ quyết định hiệu quả của ngành kinh tế du lịch. Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc, rõ ràng Yên Bái cũng giống như các tỉnh trong khu vực đều mong muốn, tìm tòi, nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Yên Bái tập trung nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế như: du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm… theo hướng kết nối các tour, tuyến và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù của tỉnh.
Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/4/2019 thực hiện chương trình phát triển du lịch các huyện, thị xã miền Tây tỉnh Yên Bái năm 2019 - 2020. Với các nội dung cụ thể về xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng, xây dựng hạ tầng, thành lập tổ hợp tác, xây dựng tour du lịch nội huyện - nội vùng - nội tỉnh - ngoại tỉnh… sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện của du lịch miền Tây nói riêng và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái nói chung.
Bên cạnh những hoạt động thường niên sẽ có thêm các sự kiện du lịch mới, gần đây nhất là đêm giới thiệu "Sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” tại Hà Nội diễn ra ngày 18 - 19/5. Đồng bộ từ xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch đặc trưng đến tổ chức các sự kiện du lịch và truyền thông, quảng bá, giới thiệu, tập huấn kĩ năng nghề du lịch đạt chuẩn… là bước đi bài bản, chuyên nghiệp để du lịch Yên Bái cất cánh.
Nguyễn Thơm