Chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Năm 2018, tổng số khách du lịch đến toàn vùng Tây Bắc đạt 20,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt, doanh thu đạt gần 23 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đây là mức tăng khá so với năm 2017, nhưng so với tiềm năng, thế mạnh, không gian địa lý của toàn vùng thì còn khiêm tốn. Nếu đặt trong tương quan với tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2018 (95,6 triệu lượt), trong đó có 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch hơn 620 nghìn tỷ đồng, thì những con số của du lịch Tây Bắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Số lượng khách du lịch đến vùng Tây Bắc tăng trưởng không đều giữa các địa phương, chỉ tập trung ở một số địa bàn thuận lợi về giao thông như các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, các địa bàn còn lại khá vắng khách. Điều này dẫn đến sự phát triển "nóng” về du lịch ở một số địa phương. Điển hình như ở thị trấn Sa Pa, từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, số lượng khách du lịch đến đây tăng nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng không phát triển kịp, dẫn đến tình trạng quá tải vào các dịp lễ, Tết.
Trừ các trọng điểm du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) có lợi thế về giao thông, nhìn chung, hạ tầng, giao thông kết nối tới các điểm du lịch ở các địa phương còn lại chưa thuận lợi, hạ tầng du lịch nhiều nơi còn sơ khai. Các điểm du lịch của các tỉnh trong vùng cách nhau khá xa, thời gian đi lại dài, chi phí cao, phải là người có sức khỏe tốt mới đi được. Ngay trong một tỉnh, khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các điểm du lịch cũng khá khó khăn. Tại Điện Biên, muốn di chuyển từ TP Điện Biên Phủ đến các điểm du lịch khác như Mường Phăng, hồ Pá Khoang, khu khoáng nóng U Va… du khách phải vượt 30 km đường đèo, dốc; còn muốn đến tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ ở huyện Điện Biên Đông thì phải đi 100 km đường hiểm trở… Cho nên dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng Điện Biên khó thu hút du khách về các điểm này.
Các sản phẩm du lịch mang tính chất liên vùng chưa hình thành rõ nét, kém đặc trưng và thiếu tính kết nối. Tua du lịch vòng cung Tây Bắc đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành xây dựng, nhưng không thu hút được đông khách. Giám đốc Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ Nguyễn Văn Trãi cho biết: Tuyến du lịch liên kết giữa các tỉnh Tây Bắc chưa phát huy được hiệu quả. Hầu hết du khách đều đi tua từ trung tâm Hà Nội đến Hà Giang, hoặc đi Sơn La hay Lai Châu rồi quay trở về Hà Nội, rất ít du khách đi liên tỉnh Tây Bắc, do sản phẩm du lịch của các tỉnh chưa có sự khác biệt lớn.
Về cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, phần lớn khách du lịch đến Tây Bắc để tham quan, khám phá, trải nghiệm, thời gian lưu trú không nhiều, chi tiêu ít. Trong đó, chủ yếu là chi phí cho việc đi lại, lưu trú và ăn uống, mua vé tham quan tại các di tích... Chi tiêu cho hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, mua sắm chiếm tỷ lệ rất nhỏ do các sản phẩm du lịch chưa độc đáo, không thể hiện rõ nét tài nguyên đặc trưng.
Thực trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều là địa bàn xa xôi, kinh tế còn nghèo, hạ tầng kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu. Đại diện Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên phản ánh thực tế, giao thông đến các tỉnh Tây Bắc chủ yếu là đường bộ độc đạo, nhiều đoạn đường hẹp, đèo dốc quanh co, mùa mưa bão thường bị sụt lở, ách tắc. Vì vậy, khách thường tập trung vào các tháng lễ hội đầu năm, hoặc các sự kiện được tổ chức trong mùa khô, vào mùa mưa lượng khách giảm rõ rệt. Điều này lý giải vì sao chính quyền một số tỉnh dù luôn "trải thảm đỏ” nhưng không thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án phát triển du lịch. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bỏ dở giữa chừng như Tập đoàn Hoa Sen đầu tư vào khu du lịch phức hợp đầm Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái), đến nay tạm ngưng vì lý do tài chính. Khu du lịch Tân Hương trên hồ Thác Bà của Công ty TNHH Hùng Đại Dương với diện tích hơn 40 ha, khởi công cách đây 13 năm, tỉnh Yên Bái đã đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, nhưng chủ đầu tư này đã sang nhượng cho đơn vị khác, đến nay vẫn chưa đưa dự án vào hoạt động.
Kết cấu hạ tầng du lịch chưa được các tỉnh đầu tư xứng tầm, một phần do nhận thức chưa đầy đủ, một phần do khó khăn về kinh phí, trong khi ý thức của người dân chưa cao. Tại tỉnh Điện Biên, trừ một vài điểm du lịch trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ như đồi A1, hầm Đờ Cát, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã được xây dựng tương đối đầy đủ hạng mục, còn hầu hết các điểm khác đầu tư sơ sài, ranh giới giữa các điểm tham quan, di tích chỉ là dây thép gai hoặc không có gì, cho nên không ít điểm tham quan, di tích bị người dân biến thành nơi đổ rác thải, thậm chí lấn chiếm làm nhà, xây dựng công trình kiên cố.
Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Là các tỉnh có sự tương đồng về điều kiện địa hình, văn hóa truyền thống, nếu cán bộ ngành du lịch các địa phương không chịu khó sáng tạo, đổi mới, thì rất dễ dẫn đến tình trạng các sản phẩm du lịch giống nhau. Thí dụ, tua du lịch trên sông Đà được các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ấp ủ mấy năm nay nhưng chưa chính thức khai thác, do chưa tìm được bản sắc riêng; đi dọc sông cả trăm ki-lô-mét mà khách không nhận biết được sự khác biệt giữa các địa phương; dịch vụ trên thuyền và ven bờ sông chưa có, gây cảm giác buồn chán cho khách.
Một số sự kiện du lịch của các địa phương khá trùng lặp về nội dung, làm mất lợi thế cạnh tranh. Gần đây, hai tỉnh Điện Biên và Sơn La đều tổ chức lễ hội hoa ban vào tháng 3, khiến số lượng khách đến hai sự kiện này bị san sẻ. Việc đầu tư sản xuất các sản phẩm lưu niệm cũng chưa được chú trọng. Chị Nguyễn Tuyết Mai, ở phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Đầu năm nay, vợ chồng tôi du xuân các tỉnh Tây Bắc. Đến các điểm du lịch, tôi muốn mua quà lưu niệm cho mọi người, nhưng ở tỉnh nào quanh đi quẩn lại cũng là váy áo thổ cẩm, thuốc nam, nông sản… na ná nhau, thiếu những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương”.
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn hạn chế, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ du lịch. Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) của đồng bào dân tộc Lự, mấy năm trước được xem là một trong những mô hình du lịch cộng đồng điểm của tỉnh Lai Châu. Các hộ dân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo, tập huấn cách làm du lịch, hỗ trợ khung dệt vải truyền thống, trang bị đạo cụ, thành lập đội văn nghệ, dạy nấu các món ẩm thực dân tộc, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng… Sau khi đưa vào hoạt động, Sở giao lại cho địa phương quản lý, nhưng chính quyền cơ sở để người dân tự phát xây dựng nhà cửa, làm nhòa mờ bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại Sơn La, năm 2016, HĐND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng bảy bản du lịch cộng đồng ở ba huyện và 30 hộ gia đình tổ chức mô hình homestay. Nhưng ba năm qua mới giải ngân được 350 triệu đồng, bằng 10% nhu cầu của người dân. Một phần do công tác quản lý, thủ tục hành chính "quá chặt” khiến các bản và các hộ gia đình không tiếp cận được nguồn vốn vay, một phần là do chính chủ thể thụ hưởng chính sách không thực hiện được các cam kết khi xây dựng.
Hầu hết các gia đình được nhận tiền xây nhà đã không làm theo nguyên bản kết cấu kiến trúc nhà truyền thống của người Thái, mà "xi-măng hóa” với kiến trúc lai căng. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp còn có biểu hiện lợi dụng việc xin dự án để chiếm dụng đất, sử dụng sai mục đích, cần được các cấp chính quyền kiểm tra, chấn chỉnh.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn nêu trên, thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Dựa vào giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa, mỗi tỉnh xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp với tỉnh bạn, tăng tính hấp dẫn cho khách du lịch. Từ đó, các tỉnh cùng kết nối, xây dựng các tua du lịch đặc trưng của toàn vùng. Ngoài việc đề xuất Chính phủ đầu tư và nâng cấp các tuyến giao thông chính để tăng khả năng kết nối, giảm thời gian đi lại giữa các điểm du lịch, các tỉnh cần tiếp tục có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các điểm đến một cách có chọn lọc, trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên để có lộ trình đầu tư phù hợp.
Muốn phát triển du lịch cần phát triển nguồn nhân lực làm du lịch. Cán bộ ngành du lịch, cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực sáng tạo trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, nhưng không bị thương mại hóa làm mất đi tính thuần khiết của văn hóa vùng cao.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bài bản hơn. Gắn xúc tiến quảng bá du lịch với xúc tiến thương mại và đầu tư, giao lưu văn hóa, thể thao tại các thị trường trọng điểm trong nước và các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc. Ngoài vai trò chủ động của các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành cần đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ cho các tỉnh trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp các địa phương có điểm đến nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách…
Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, du lịch Tây Bắc có thể phát triển hiệu quả và bền vững hơn, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam trong tương lai không xa.
(Theo Nhân Dân)