Tín hiệu vui cho ngành Du lịch
Mặc dù vẫn còn tâm lý e ngại, nhưng tín hiệu đáng mừng trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua là nhiều khu, điểm đến du lịch đã mở cửa, tiếp đón hàng nghìn du khách. Điều này cho thấy nhu cầu tham quan du lịch của người dân là rất lớn. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 21.000 lượt, trong đó phần lớn là khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt 68 tỷ đồng. Nhu cầu nghỉ dưỡng tại một số khu du lịch đạt từ khoảng 60-68%. Theo Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong dịp lễ năm nay tuy vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 nhưng cũng cho thấy sự khởi sắc của du lịch Thủ đô trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa kết thúc.
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ước tính có hơn 12.500 lượt du khách đã đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch của địa phương khởi động giai đoạn phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong số khách du lịch đến địa phương dịp này có tới 3.600 người lựa chọn lưu trú, chủ yếu là khách từ thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh Bắc miền Trung, đi theo dạng tự túc nhóm gia đình, tự lái xe đến Huế du lịch. Đây là xu hướng đã được dự đoán trước, bởi tâm lý vẫn còn e ngại bởi tình hình dịch bệnh COVID-19. Mặt khác, khách du lịch cũng ít lưu trú tại khu vực trung tâm thành phố Huế, mà có xu hướng lưu trú ở không gian rộng, cảnh quan thiên nhiên. Khách trên địa bàn tỉnh, ngoài xu hướng quay lại tham quan ở các điểm di sản Huế, thì cũng đến trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái.
Sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, các khu, điểm tham quan du lịch tại Đà Lạt đã mở cửa trở lại. Theo báo cáo của ngành du lịch Lâm Đồng, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Lạt trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đạt 76.685 lượt (bằng 67,71% so với cùng kỳ - giảm 36.565 lượt). Trong đó khách quốc tế đạt 2.099 lượt (bằng 27,22% so cùng kỳ - giảm 5.612 lượt), khách nội địa đạt 74.586 lượt (bằng 70,67% so cùng kỳ - giảm 30.953 lượt). Sở Du lịch Lâm Đồng cho biết, lượng khách đến Đà Lạt trong kỳ nghỉ lễ vừa qua giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, nên nhiều đơn vị kinh doanh du lịch không nhận khách đoàn với số lượng lớn, mà chủ yếu là đón khách lẻ, đi bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là con số khá ấn tượng, báo hiệu sự trở lại của du khách sau một thời gian dài "đóng băng” vì dịch bệnh.
Để thu hút lượng khách du lịch, nhiều đơn vị, địa phương đã tung ra các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Có thể kể đến chùm tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các hãng lữ hành thực hiện. Chùm tour này được trang bị những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, kết hợp với trải nghiệm thực tế và xây dựng dựa trên phương thức hoạt động thực tế của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến. Trong đó, du khách được tham quan nhiều di tích lịch sử và "căn cứ” của Biệt động Sài Gòn với đa dạng điểm đến độc đáo.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình du lịch "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn” là một trong những sản phẩm được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố và là sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo chỉ riêng có của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. "Chương trình du lịch Theo dấu chân biệt động Sài Gòn không chỉ nhằm lưu giữ cho mai sau về một thời kỳ lịch sử đặc biệt hào hùng của dân tộc thông qua việc giới thiệu tính độc đáo trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn, mà còn giới thiệu về con người Việt Nam yêu nước, yêu chuộng hòa bình đến bạn bè quốc tế”- ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Tập trung kích cầu du lịch nội địa
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành du lịch nói riêng chao đảo. Chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp chưa từng có để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bao gồm đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động vận tải đường không quốc tế và nội địa. Nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi và bất ngờ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, tính đến thời điểm này, Việt Nam mới ghi nhận 271 ca lây nhiễm và chưa có ca nào tử vong. Trong khi đó, các nước ASEAN, đặc biệt là Mỹ và châu Âu vẫn đang trong tâm dịch. Chính vì vậy, lữ hành quốc tế trong giai đoạn này tiếp tục "đóng băng”, buộc các doanh nghiệp lữ hành chuyển sang kinh doanh nội địa.
Để thu hút khách, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, bên cạnh việc khuyến mãi, đầu tư thêm sản phẩm du lịch mới, cần chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng của nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp. Đặc biệt là thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn khi du lịch để tạo niềm tin cho khách. Bởi sau dịch bệnh, tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn sẽ đeo bám, do đó yếu tố an toàn được khách hàng đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng xác định dòng khách nội địa với quy mô gia đình, nhóm nhỏ là dòng khách chủ yếu trong thời điểm này. Vì vậy, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch cần được doanh nghiệp tập trung hoàn thiện kịp thời đưa vào khai thác theo hướng phù hợp với đối tượng du khách này.
Từ những tín hiệu đáng mừng trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, ngành du lịch cần chủ động tìm cơ hội cho chính mình để trụ vững trước khó khăn, cũng như hướng tới chiến lược lâu dài thông qua đẩy mạnh tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng mới. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho khách du lịch, thời gian tới, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch có quy mô, đầu tư về nội dung và chiều sâu và phát động chương trình "Việt Nam an toàn và hấp dẫn".
Khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ xúc tiến, quảng bá, triển khai nhiều gói kích cầu với khách nội địa lẫn quốc tế, giới thiệu các điểm đến an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh để duy trì sự tin tưởng của khách du lịch. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế tới Việt Nam, nới rộng chính sách miễn, giảm thị thực, mở thêm các đường bay quốc tế… Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, doanh nghiệp, địa phương và nhân dân, ngành du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
(Theo dangcongsan.vn)