Đặc biệt, từ khi hình thức du lịch phượt, du lịch mạo hiểm phát triển, những hình ảnh hùng vĩ của đỉnh Tà Xùa, đỉnh Tà Chì Nhù và nét thơ mộng tại bản Cu Vai, Khu du lịch khoáng nóng Trạm Tấu… xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, tạo cơ hội quảng bá du lịch địa phương phát triển. Nắm bắt cơ hội này, huyện đã huy động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, đường lên khu du lịch, xây dựng nhà hàng – khách sạn – nhà nghỉ và hình thành tour du lịch mạo hiểm.
Từ những năm 2018 – 2019, huyện đã huy động hàng ngàn lượt ngày công cải tạo các tuyến đường lên các điểm du lịch, cắm biển chỉ dẫn, biển báo nguy hiểm và cắm cột mốc độ cao trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù; bố trí địa điểm có diện tích đủ lớn để du khách nghỉ ngơi và tổ chức hoạt động cắm trại; vận động người dân dọn dẹp vệ sinh, cải tạo cảnh quan ở bản Cu Vai, thác Háng Đề Chơ; thực hiện nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển khu nhà nghỉ, dịch vụ, khu nghỉ dưỡng…
Sau 3 năm đi vào hoạt động, những hình ảnh thơ mộng ở Khu du lịch khoáng nóng Trạm Tấu tại khu 3, thị trấn Trạm Tấu đã "phủ sóng” trên các trang thông tin, mạng xã hội. Đến năm 2019, trên nền tảng Khu du lịch khoáng nóng Trạm Tấu, Hợp tác xã Du lịch Cường Hải đã được thành lập gồm 7 thành viên, kinh doanh các dịch vụ lưu trú với quy mô trên 100 khách ở phòng nghỉ cộng đồng và 12 phòng gia đình, khu du lịch đã thu hút trên 16.000 lượt du khách trong năm.
Bên cạnh những sản phẩm du lịch đã được hình thành, huyện Trạm Tấu cũng manh nha hình thức du lịch cộng đồng. Đến nay, huyện đang thử nghiệm ở một số hộ dân tại xã Hát Lừu, cử 122 học viên tham dự các lớp kỹ năng làm du lịch; rà soát thành lập 6 đội văn nghệ dân gian phục vụ du khách.
Năm 2019, huyện Trạm Tấu đón 26.500 lượt du khách, bằng 106% so với chỉ tiêu giao, doanh thu đạt 15,9 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2020, lượng khách du lịch đến huyện đạt 25.170 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 16,5 tỷ đồng. Những con số đó cho thấy sự thay đổi của du lịch Trạm Tấu trong một vài năm trở lại đây; đồng thời, du lịch đang trở thành hướng phát triển kinh tế huyện và là cơ hội cho các doanh nghiệp tới đầu tư và khai thác.
Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp "không khói”, thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thu hút các nhà đầu tư khai thác tốt tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh như: khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng nóng để xây dựng du lịch nghỉ dưỡng gắn với đồi thông Eo Gió trên địa bàn thị trấn Trạm Tấu; phát triển du lịch cộng đồng tại xã Hát Lừu, Xà Hồ, Phình Hồ; phát triển du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, thác Háng Đề Chơ, thác Tà Xùa…
Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch với giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc giúp cho người dân từng bước xóa đói giảm nghèo. Trạm Tấu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 12 vạn khách du lịch, doanh thu đạt trên 70 tỷ đồng.
Hoài Văn