[Video] Khám phá Hồ Thác Bà - Hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/12/2020 | 10:41:03 AM

YênBái - Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm cách Hà Nội 140 km, khoảng 3h di chuyển bằng ôtô đi theo quốc lộ 2 về phía tây.

Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình (Yên Bái), là một trong bốn hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam. Thác Bà là tên gọi hồ nước nhân tạo được khởi công xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1970 với mục đích làm nghẽn dòng sông Chảy tạo ra hồ nước phục vụ cho công trình Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, quán triệt tinh thần nghị quyết của Đại hội với chủ trương "Điện phải đi trước một bước”, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy. Đây là công trình thuỷ điện đầu tiên của Việt Nam do sự giúp đỡ của nhà nước Liên Xô cũ (nay là nước Cộng hoà Liên bang Nga). Theo thiết kế, công suất của Nhà máy là 108 MW, cho sản lượng điện bình quân là 400 triệu kWh/năm.

Hiện nay, trong Nhà máy thuỷ điện Thác Bà tại tổ máy số 3 vẫn còn lưu lại dấu tích viên đạn do máy bay Mỹ bắn phá nhà máy vào năm 1972.

Trước khi đắp đập làm hồ, ở đây từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước đổ mạnh và chảy xiết, được người dân địa phương gọi là "thác Ông" - "thác Bà". Sau này khi Nhà máy thủy điện Thác Bà hoàn thành, để lưu danh hai thác đã bị vùi lấp, người ta đặt tên hồ là Thác Bà và Thác Ông được đặt cho tên một cây cầu nằm trong thị trấn Thác Bà của huyện Yên Bình.

Hồ Thác Bà có tổng diện tích vùng hồ hơn 23.400 ha, trong đó diện tích mặt nước là 19.050 ha và có độ dài 80 km; mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, chứa được 3 đến 3,9 tỉ mét khối nước trải từ Yên Bình đến Lục Yên, chiều rộng từ 10 km đến 15 km và có độ sâu từ 50 m đến 60 m.

Là một hồ nước mênh mông với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hồ Thác Bà được ví như ‘vịnh Hạ Long trên núi cao’ của vùng Tây Bắc. Trong lòng hồ có đến 1.334 đồi đảo lớn, nhỏ tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió, từ hương thơm ngào ngạt của cỏ cây hoa lá trên hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào giữa mênh mông trời mây non nước. Những hòn đảo điệp trùng, nhấp nhô tưởng chừng như vô tận, tinh thần mỗi du khách cũng trở lên thư thái hơn bao giờ hết.

Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Hoặc du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với vùng đất Ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, Đền Đại Cại, bình nguyên xanh Khai Trung... mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Dao rất đặc sắc.

Với đặc điểm là hồ nhân tạo, kết hợp sử dụng tự nhiên, hồ Thác Bà là nơi mang trong mình sự kết tinh thành quả của bàn tay và khối óc con người trong quá trình cải biến giang sơn phục vụ cuộc sống con người, vừa mang trong mình những di tích, di chỉ lịch sử khảo cổ. Đồng thời, hồ Thác Bà trở thành một danh thắng đẹp, nơi có khí hậu trong lành, với hệ sinh thái môi trường sống đa dạng của các loài động thực vật, địa điểm này từng bước trở thành điểm tham quan du lịch có giá trị của đất nước.



Hồ Thác Bà có môi trường sinh thái phù hợp với nhiều loài động, thực vật sinh sống ở đây.

Hồ Thác Bà được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 27/9/1996 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quy hoạch, phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà dựa trên lợi thế cảnh quan mặt nước và vùng ven hồ, giá trị của danh thắng hồ Thác Bà và bản sắc văn hóa vùng sông Chảy để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho du lịch hồ Thác Bà.

Đồng thời phát triển du lịch hài hòa với lợi ích các ngành kinh tế khác và các chức năng khác của hồ Thác Bà, bảo đảm an toàn tuyện đối quá trình vận hành, bảo vệ chất lượng môi trường nước hồ, phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, lợi ích của các bên liên quan, an ninh quốc phòng, thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; phù hợp, thống nhất với các chiến lược, quy hoạch liên quan đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong khu vực.

Mục tiêu đến trước năm 2025, Khu du lịch hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.

(Theo Vietnam+)

Tags Khám phá Hồ Thác Bà hồ nước nhân tạo lớn nhất

Các tin khác
Di sản thế giới Phố cổ Hội An

Năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành chiến thắng ngoạn mục giải thưởng danh giá Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới.

Bản Cu Vai có địa thế tách biệt trên đỉnh một ngọn núi xa mờ, quanh năm mây mù bao phủ. Trong tiếng Thái, cái tên Cu Vai có nghĩa là dải mây vắt vẻo ngang trời. Mà đúng thật, đến đây mới thấy, bản Cu Vai nằm ngấp nghé đầy bình yên và đẹp đến mộng mị trên đỉnh núi với những huyền tích đậm chất sử thi…

Bình nguyên xanh Khai Trung là điểm đến hút khách nhiều năm nay khi đến với Lục Yên. (Ảnh: Đức Toàn)

Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” huyện Lục Yên lần thứ II sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/12 với nhiều nội dung đổi mới, hấp dẫn. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bà Nông Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên về công tác chuẩn bị cho Lễ hội.

Du khách nước ngoài trải nghiệm hoạt động dù lượn tại huyện Mù Cang Chải.

Khát vọng xây dựng Mù Cang Chải thành huyện du lịch của Yên Bái với triết lý "bản sắc, an toàn, thân thiện, hấp dẫn” đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Đại hội XIX Đảng bộ huyện. Với những gì đang có, cả lợi thế và khó khăn, cần một chiến lược, một hướng đi như thế nào để Mù Cang Chải có thể phát triển như kỳ vọng?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục