Phát triển du lịch ở Nghĩa Lộ: Đâu là giải pháp?

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/3/2021 | 7:40:33 AM

YênBái - Năm 2003, thị xã Nghĩa Lộ là một trong 7 huyện, thị của cả nước được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Múa chai trong lễ hội khai hạ của người Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: T.L)
Múa chai trong lễ hội khai hạ của người Mường, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: T.L)

Năm 2013, HĐND tỉnh có nghị quyết chuyên đề và UBND tỉnh ban hành Đề án "Xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020” và có thêm nội dung mới là xây dựng Nghĩa Lộ trở thành điểm du lịch của tỉnh.

Tháng 2/2020, thị xã Nghĩa Lộ tiếp nhận thêm 7 đơn vị hành chính gồm các xã: Phù Nham, Sơn A, Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ từ huyện Văn Chấn. 

Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ngành du lịch của thị xã trước thách thức, yêu cầu mới để khai thác tối ưu những lợi thế có được, sớm đưa Nghĩa Lộ trở thành trung tâm du lịch phía Tây của tỉnh. Một trong những vấn đề ngành du lịch thị xã cần quan tâm, giải quyết chính là quản lý du lịch giữa 4 yếu tố "du khách - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - người dân địa phương - chính quyền cơ sở” và triển khai thực hiện du lịch xanh cho các loại cơ sở dịch vụ du lịch gồm: nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch và điểm tham quan du lịch theo các tiêu chí "thân thiện môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa, đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng”.

4 yếu tố phải cùng vào cuộc

Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực để phát triển du lịch, nhưng đến nay thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy, du lịch Nghĩa Lộ vẫn tồn tại nhiều bất cập như: sản phẩm du lịch nghèo nàn, thiếu hấp dẫn; chưa có sự đổi mới trong thu hút, phục vụ du khách; một bộ phận người dân tham gia hoạt động du lịch tự phát hoặc còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; một số cơ sở lưu trú chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh… Những hạn chế đó đều xuất phát từ nguyên nhân mối liên kết giữa 4 yếu tố nêu trên. 

Vậy, giải pháp nào để quản lý du lịch hiệu quả giữa các yếu tố này? Trước tiên, cần phải xác định, đối với du lịch Nghĩa Lộ, văn hóa bản địa là nguồn tài nguyên lớn nhất và vô giá. Chủ thể của nó chính là người dân. Do đó, trong mối quan hệ này cần đặt người dân vào vị trí trung tâm; từ đó mới có thể đưa ra các giải pháp cụ thể. 



Khôi phục loại hình hát giao duyên trên Hạn khuống ngày xuân của người Thái ở Mường Lò.  

Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa thị xã cho biết: "Thị xã cần tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với nhân dân. Để làm được điều đó, trước hết, cần nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của những tài nguyên du lịch trên địa bàn, gồm: ý thức, trách nhiệm, tôn trọng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, địa lý, nhân văn...”. 

Ở Nghĩa Lộ, ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên vùng Mường Lò, mỗi người dân cần đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa mà cộng đồng đang lưu giữ như: kiến trúc, trang phục, những nét sinh hoạt thường nhật, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc... 

Hiện, thị xã đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận là: nghệ thuật xòe Thái, hội Hạn khuống; 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia là Khu Di tích lịch sử - văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ, Khu ủy Tây Bắc và 3 di tích cấp tỉnh là đền Cầm Hánh, di tích Nậm Tốc Tát, di tích thành Viềng Công... 



Thị xã Nghĩa Lộ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Với một thị xã miền núi nhỏ hẹp thì số lượng các di tích, di sản đó không hề nhỏ. Để có thể bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích, di sản đó cũng như bảo tồn cảnh quan thiên nhiên Mường Lò theo đúng câu nói "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” rất cần sự chung tay của mỗi người dân. Và chỉ có nâng cao nhận thức của nhân dân thì mới có thể bảo tồn tài nguyên du lịch một cách thực chất, bền vững. 

Bên cạnh đó, cần quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động nghiên cứu, đề xuất tạo ra sản phẩm du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư; xây dựng và thu hút các dự án phát triển du lịch để người dân có cơ hội việc làm tại chỗ; xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch; trong đó, người dân đóng vai trò là những nhà cung ứng tích cực. 

Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề du lịch để người dân có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu khi tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương là thiết yếu. Ngoài ra, thị xã cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch. Thị xã hiện có gần 70 cơ sở lưu trú du lịch gồm: khách sạn, nhà nghỉ, homestay cùng hệ thống nhà hàng, hộ kinh doanh sản phẩm đặc thù. 

Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân này, cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước như: Phòng Văn hóa - Thông tin, Công an, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Y tế thị xã và UBND các xã, phường. Chỉ khi nào các cơ quan quản lý phối hợp đồng bộ, chặt chẽ thì mới có thể đưa hoạt động kinh doanh vào khuôn khổ của pháp luật, chấm dứt tình trạng các cơ sở kinh doanh hoạt động không giấy phép hoặc không đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh du lịch. 

Giải bài toán phát triển du lịch xanh

Đối với việc phát triển du lịch xanh - vấn đề trọng tâm trong triển khai các đề án "Xây dựng thị xã văn hóa” và "Xây dựng thị xã Văn hóa - Du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2003 - 2020”, tức là đã được tỉnh cũng như thị xã quan tâm từ rất lâu. Du lịch xanh ở Nghĩa Lộ không đơn thuần là việc giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà đó là tổng hòa giữa yếu tố thiên nhiên và yếu tố văn hóa. Trong đó, văn hóa bản địa là trọng tâm, thế mạnh và là sự khác biệt với những địa phương khác. 

Theo Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa thị xã: "Việc triển khai thực hiện du lịch xanh cho các loại cơ sở dịch vụ du lịch gồm: nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch và điểm tham quan du lịch theo các tiêu chí "thân thiện môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa, đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng” cần thực hiện các giải pháp đồng bộ”. 

Đơn cử như nâng cao trách nhiệm của các nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, điểm tham quan du lịch và du khách đối với vấn đề bảo vệ môi trường thông qua tuyên truyền, xây dựng các nội dung cam kết bảo vệ môi trường của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, xây dựng nội quy, quy chế dành cho khách tham quan; có hình thức xử lý phù hợp đối với các trường hợp vi phạm cam kết hoặc nội quy, quy chế đã được ban hành. 

Cần quy hoạch tổng thể, chi tiết đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tránh tình trạng tự phát, phát triển ồ ạt gây nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường; ưu tiên việc ứng dụng năng lượng, vật liệu tự nhiên, thân thiện và quan tâm đúng mực đối với vấn đề thu gom, xử lý rác thải. Khuyến khích bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa tại các nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, điểm tham quan du lịch như: khuyến khích bảo tồn kiến trúc nhà sàn, bài trí sản phẩm của địa phương; sử dụng trang phục dân tộc trong đón tiếp, phục vụ du khách; giữ gìn phong cách chế biến các món ăn truyền thống để quảng bá ẩm thực đặc trưng, đặc biệt là ẩm thực của người Thái, Mường.

Có thể thấy, quản lý du lịch nói chung và đối với du lịch Nghĩa Lộ nói riêng hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm thỏa đáng. Bởi vì, chỉ một sự định hướng sai, tâm lý "ăn xổi” hay sự buông lỏng sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường. Đưa Nghĩa Lộ trở thành trung tâm du lịch phía Tây của  tỉnh là một con đường dài và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, người dân thị xã cùng những cơ hội đặc biệt riêng có, tin rằng, trong tương lai không xa, Nghĩa Lộ sẽ không chỉ là một trung tâm du lịch của tỉnh mà còn là một nơi thực sự đáng đến, đáng sống đối với du khách trong, ngoài nước.      
                                                                     
Ngọc Sơn

Các tin khác
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội

Ngày 25/4 (tức 17/3 Giáp Thìn), phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái tổ chức Lễ hội Giỗ Mẫu đền Bà Áo Trắng năm 2024. Dự Lễ hội có đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tour du lịch lịch sử

Những ngày này, huyện Trấn Yên đang tích cực chuẩn bị ra mắt tour du lịch “Theo dấu chân anh hùng” và chung kết Cuộc thi “Em hát về địa chỉ đỏ”, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 07/5/2024) và 79 năm thành lập Chiến khu Vần (5/1945 - 5/2024).

Cơ sở lưu trú Mộc Homestay thị trấn Mù Cang Chải sẵn sàng đón khách

Huyện Mù Cang Chải hiện có 104 dịch vụ homestay, nhà nghỉ và 70 cơ sở nhà hàng, quán ăn. Các cơ sở đã sẵn sàng đón khách kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5.

Nhu cầu du lịch nội địa dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè này.

Ngày 24/4, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam ban hành Văn bản số 780/CDLQGVN-QLLH gửi Sở Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo đảm an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục