Tái khởi động du lịch: Vừa mừng, vừa lo

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/10/2021 | 9:26:54 AM

Với mong muốn nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế, ngày 5-10, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về tái khởi động du lịch.

Tái khởi động du lịch được xây dựng theo tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”
Tái khởi động du lịch được xây dựng theo tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”

An toàn đến đâu mở đến đó

Theo kế hoạch của Tổng cục Du lịch (TCDL), việc tái khởi động du lịch được xây dựng theo tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu. Phương châm đặt ra là "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Do đó, lộ trình khôi phục lại hoạt động du lịch tại các khu vực có nguy cơ thấp "cấp 1 - điểm đến an toàn”, tiến tới "kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch”, với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo dự kiến lộ trình tái khởi động do TCDL đưa ra, tháng 10-2021 sẽ tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro... Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.
Đồng thời triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch. Chính từ hoạt động mang tính thí điểm này sẽ đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm làm cơ sở để triển khai đón khách nội địa vào tháng 11.

Cũng theo TCDL, trong điều kiện thuận lợi, từ tháng 11-2021, cần triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch - Điểm đến an toàn (các yêu cầu liên quan về tiêm vaccine, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-Covid).

Việc tái khởi động với du khách nội địa sẽ là bước tập để tiến tới mở cửa thí điểm đón du khách quốc tế tại từng địa phương - TCDL nhấn mạnh.

Trong khi Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm du lịch để đón khách nội địa ngay khi cho phép hoạt động trở lại thì một số địa phương lại thận trọng khi mới chỉ bắt đầu với du lịch nội tỉnh.

Như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chẳng hạn, bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết nhiều kế hoạch kích cầu cũng đã được xây dựng như hội chợ ẩm thực, các chương trình du lịch đồng giá… Tuy nhiên thời gian du lịch nội địa dự tính sẽ quay trở lại các sự kiện du lịch sớm nhất sẽ là quý 1 năm 2022.

Tương tự, dù rất mong muốn được mở cửa du lịch, đồng thời khẳng định du lịch là nguồn kế sinh nhai của nhiều người dân bản địa song kế hoạch thời gian quay trở lại đón khách nội địa ở nhiều tỉnh/thành tham dự hội nghị đưa là năm 2022.

Cụ thể như Bình Định, việc thí điểm tái khởi động lại du lịch trên bán đảo Phương Mai đã bắt đầu nhưng dành cho khách nội địa dự kiến vào tháng 1-2022; còn TP Đà Nẵng - một trong những trung tâm du lịch biển lớn của miền Trung, một trong những địa phương tới thời điểm này đã mở khá nhiều điểm du lịch cho người dân nội tỉnh thì còn thận trọng hơn khi đưa ra thời gian dự kiến đón khách trong nước là tháng 6-2022.

Mặc dù nguyên nhân của các địa phương đưa ra đều là do mật độ chích ngừa vaccine tại địa phương và các tỉnh lân cận còn thấp, thêm nữa du lịch lại có đặc thù là hoạt động đòi hỏi sự dịch chuyển lớn bởi vậy các kế hoạch đều mang tính an toàn cao. Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo TCDL lại không đồng tình bởi lẽ nếu nói rằng thích ứng nhanh với "bình thường mới" mà thời gian vận hành trở lại đặt ra quá dài như vậy thì rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động, linh hoạt.

"TCDL cho rằng cần nhanh chóng tận dụng tốt các cơ hội an toàn nhằm sớm phục hồi hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan trên tinh thần "vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh” phù hợp với thực tiễn" - Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.

Nhiều khó khăn vẫn cần đối mặt

Nhu cầu được đi lại sau nhiều tháng giãn cách của người dân là có thật, mong muốn hoạt động du lịch nhanh chóng quay trở lại để góp phần phục hồi kinh tế cũng rất chính đáng tuy nhiên cũng chính bởi diễn biến dịch bệnh mỗi nơi mỗi khác, chưa có chung quan điểm và tiêu chí về an toàn cho du lịch bởi vậy để ngành có thể vận hành trở lại tại thời điểm này là vô cùng khó khăn.

Một trong những vấn đề băn khoăn nhất là chưa có "tiêu chí xanh", an toàn, phù hợp chung của ngành mà lại tùy theo mỗi địa phương do đó sẽ rất khó có thể triển khai sản phẩm. Đặc biệt, tại thời điểm này ngay việc đi lại nội tỉnh cũng đã rất khó, chứ đừng nói tới việc đón khách ngoại tỉnh bởi thế dù muốn nhưng các doanh nghiệp cũng rất thận trọng khi tái khởi động lại các dịch vụ du lịch. Đi lại trong tỉnh cũng đang gặp nhiều trở ngại, có nơi yêu cầu phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có xét nghiệm PCR âm tính… rồi các quy định khác về "vùng xanh, vùng đỏ"… khá phức tạp bởi thế tại thời điểm này "tour ngoáy mũi” cũng mới chỉ là sản phẩm được dành cho khách hàng nội tỉnh, lãnh đạo Vụ Lữ hành chia sẻ.

Cùng chung băn khoăn này, đại diện du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng, rất cần các địa phương công khai các "điểm du lịch xanh", an toàn để các doanh nghiệp có thể xây dựng các sản phẩm cho du khách.

Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch của nhiều địa phương đưa ra kiến nghị ưu tiên tiêm phủ vaccine cho lao động trong ngành; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp du lịch như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến năm 2023, giảm thuế đất, giúp tiếp cận với các nguồn vay ưu đãi, triển khai gói bảo hiểm Covid-19…

Cùng đó, các địa phương cũng mong muốn Bộ VH-TT-DL, TCDL xây dựng bộ khung với tiêu chí an toàn với "thẻ xanh", "hộ chiếu vaccine"… trong hoạt động du lịch trong hoàn cảnh mới để có thể lấy đó là cơ sở triển khai rộng, đồng khắp toàn quốc…

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt khẳng định du lịch nội tỉnh, nội địa sẽ là ưu tiên trong thời điểm này, sau đó sẽ mở dần ra các hoạt động thí điểm đón khách quốc tế.

Để chung tay cùng các địa phương sớm đưa du lịch hoạt động trở lại, lãnh đạo bộ cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của các địa phương để có những chính sách, hỗ trợ kịp thời. Cụ thể: bộ sẽ thúc đẩy các hoạt động liên bộ, liên ngành để sớm có những quy định về "thẻ xanh", "hộ chiếu vaccine"; cùng đó, để chuẩn bị cho việc mở cửa thí điểm du lịch quốc tế các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ tới các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam...

Đặc biệt, lãnh đạo bộ khẳng định sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp nhận thông tin và giải quyết các vướng mắc của địa phương để sớm đưa hoạt động du lịch quay trở lại.
(Theo SGGP)

Các tin khác

Tại hòn đảo xa xôi ở Indonesia này, có một khu rừng ngập mặn với những cái cây biết lắc lư vào mỗi chiều tà.

Cầu treo mạo hiểm vắt vẻo trên núi cao ở Sapa.

Cây cầu treo ở khu du lịch gần Sapa đã bắt đầu cho những người đầu tiên trải nghiệm thử thách mạo hiểm này. Tại khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) nằm ngay gần thị trấn Sapa đang chuẩn bị ra mắt trò chơi cầu treo mạo hiểm.

Mrauk U là vùng đất yên bình, hoang sơ với những đền đài và ngôi chùa cổ kính nhuốm màu rêu phong.

Việc thực hiện chặt chẽ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 và có sự đổi mới để sẵn sàng thu hút khách du lịch nội tỉnh trở lại là cơ hội để du lịch toàn tỉnh, trong đó có Mù Cang Chải lấy lại vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, giúp cho các cơ sở du lịch bù đắp lại những thiệt hại trong thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục