Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị.
Đại điện lãnh đạo các tỉnh, TP: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Trị, TT- Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh hòa, Ninh Thuận, Kom Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Hậu Giang, Bạc Liêu. Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Đà Nẵng và nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Về phía tỉnh Quảng Nam có các đồng chí: Phan Việt Cường, Bí Thư Tỉnh ủy; Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và gần 3.000 khách mời tham dự.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Việt Nam có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử hào hùng, văn hoá phong phú, đa dạng, con người hiền hoà, thân thiện, cởi mở, mến khách, chính trị ổn định, an ninh, an toàn. Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước - du lịch không khói. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu.
Hơn 2 năm qua, dù gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh, ngành du lịch và nhân dân vẫn không ngừng nỗ lực thích ứng bằng những cách làm sáng tạo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch; đồng thời đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho răng, cần phải có tư duy và cách làm mới trong phát triển du lịch, phải biến "nguy" thành "cơ”. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách. Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại và là sự kiện trọng tâm của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2022.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2022 tại TP Hội An.
Sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2022 sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè Quốc tế.
Cũng nhân lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia, Thủ tướng đề nghị các Bộ, Ngành, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động phối hợp thực hiện thật tốt một số trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Hai là, tập trung xây dựng môi trường du lịch "xanh" đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022.
Ba là, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng miền, tạo thành chuỗi các điểm đến và phát huy sức mạnh sáng tạo của mỗi người dân trong vùng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch.
Bốn là, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững.
Sáu là, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng.
(Theo CAND)