Trong một năm, người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có rất nhiều lễ hội nhưng, tiêu biểu nhất là lễ Gạ ma thú (cúng bản) - nghi lễ lớn, quan trọng nhất trong năm với sự tham gia của cả cộng đồng.
Lễ Gạ ma thú được người Hà Nhì tổ chức vào mùa xuân, khi các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, để hướng về cội nguồn, tổ tiên, ông bà, tri ân các vị tiền bối đã có công khai phá, bảo vệ bản mường; tạ ơn trời đất, tổ tiên, các đấng siêu nhiên đã phù hộ cho người dân mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc; đồng thời, là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, mừng mùa xuân mới.
Người Hà Nhì ở các địa phương khác nhau chọn ngày gạ ma thú theo lịch của người Hà Nhì khác nhau, như người Hà Nhì Lạ Mí chọn ngày con hổ, người Hà Nhì Cồ Chồ chọn ngày con dê…
Theo phong tục, nghi lễ được tổ chức trong 3 ngày với 2 phần chính: nghi lễ và diễn xướng, trò chơi dân gian.
Khi làm lễ Gạ ma thú, dân làng phải dừng các công việc trên nương rẫy, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, trong lòng đất như con dúi, con nhím, tê tê... để tránh rủi ro cho dân bản.
Các thầy cúng trong những ngày này phải giữ mình sạch sẽ: 1 thầy cúng chính (À pố mí cù), 6 thầy cúng phụ, 1 người giúp việc thầy cúng chính (lạ chạ); riêng thầy cúng chính được dân bản lựa chọn từ trước, phải kiêng không được ăn rau xanh, không được gần gũi với phụ nữ trong thời gian trước và sau khi làm lễ cúng 1 giáp (tương đương 12 ngày, theo cách tính của người Hà Nhì).
Trước đây, phụ nữ Hà Nhì không được tham gia hoặc đến gần các địa điểm cúng trong lễ Gạ ma thú, ngày nay họ được tham gia chuẩn bị lễ vật, dự bữa cơm mừng lễ thành công.
Lễ cúng thần rừng của cộng đồng dân tộc Hà Nhì.
Các thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ với 7 mâm cúng: đầu bản, cổng bản, thần nước, thần lửa, thần đất, thần rừng và thần gió; các lễ cúng đều có cúng sống (các con vật còn sống) và cúng chín. Riêng đối với mâm cúng thứ 8 (cúng vong linh) chỉ 3 năm mới thực hiện một lần.
Ngày thứ nhất, các gia đình chuẩn bị lễ vật của mình, đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng, đan túi len đựng trứng làm quà tặng. Dân bản chuẩn bị cho các trò chơi ở khoảng sân trống giữa bản như: đánh đu (A gừ gừ nhí), bập bênh (A chú tộ mẹ), đu quay (A qúy), đánh cù (Đồ lộ), ném còn (Lên pô pè) và tập múa. Buổi chiều, đại diện các gia đình mang lễ vật đến góp tại nhà thầy cúng chính.
Thày cúng chính chuẩn bị 6 mâm lễ, gồm: một mâm cúng chính (đầu bản) và 5 mâm cúng phụ (cúng cổng bản, thần nước, thần rừng, thần gió, thần đất). Lễ vật trong các mâm có thể khác nhau, nhưng mỗi mâm cúng đều có trứng gà, nước chè, rượu, nước trắng, gạo, lá cây ồ mé (cây kị ma) trong đó gói một ít cám, tro bếp, mạt sắt, mạt đồng, chỉ trắng, chỉ đỏ… tượng trưng cho các vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản Hà nhì dâng lên các vị thần. Các thầy cúng cùng người giúp việc chia nhau đến những nơi được phân công làm lễ vào cùng một thời gian.
Nghi lễ cúng chính (đầu bản) do thầy cúng chính đảm nhiệm để cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu cho dân bản. Lợn sau khi giết chỉ lấy một phần chế biến, một phần cho thầy cúng chính ăn trong 3 ngày lễ, còn lại chia đều cho các hộ dân trong bản.
Sau khi cúng chín, đại diện các gia đình dâng bát cơm nếp nhuộm vàng, quả trứng nhuộm đỏ để lạy tạ, xin lộc. Gia đình nào trong năm có thêm thành viên mới phải dâng thêm một hay nhiều chai rượu tương ứng với số thành viên mới của gia đình, báo tên để thày cúng khấn cho.
Khi lễ cúng kết thúc, lễ vật trong mâm cúng được chia đều cho các hộ gia đình trong bản và chủ gia đình là người chế biến, dâng lên tổ tiên cầu mong con cháu luôn khỏe mạnh, may mắn.
Nghi lễ cúng cổng bản để cầu thần linh bảo vệ dân bản khỏi kẻ xấu, cầu ấm no, cuộc sống yên bình. Cổng bản được dựng từ 2 cây gạo lấy từ rừng về, nối 2 cột bằng sợi dây lớn đan từ cây ồ mé, 2 chân cột là 2 chiếc sọt vây quanh được đổ đầy đất với mong muốn thóc của bà con trong bản không bao giờ bị vơi cạn, trên thân cột treo các loại vũ khí đẽo bằng gỗ như: Súng (mè bơ); nỏ (kha thư); dao (ma ché); lựu đạn (lêu tán); mũi lao (cán chi); ta leo (thé khá) để chống kẻ thù, xua đuổi tà ma; treo các loại nhạc cụ: sáo ngang (là pi là bạ); sáo dọc (túy huy) với ý nghĩa làm cho bản luôn vui tươi rộn rã; treo hai túm lông gà và hai hình sinh thực khí nam, nữ mong muốn sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu…
Cúng xong, mọi người thụ lộc tại chỗ, không được mang vào bản, sợ đem theo những rủi ro, bệnh tật, các thế lực xấu gây rối hoặc làm hại người và vật nuôi cây trồng. Trước đây còn có tục cấm bản trong những ngày lễ, nay vẫn cấm bản nhưng cho phép người bên ngoài vào cùng vui chơi.
Nghi lễ cúng thần nước (phía Tây cách bản vài trăm mét, phải giáp với ngã ba suối) để tạ ơn thần đã che chở, giúp đỡ dân bản. Sau lễ cúng, mọi người cùng thụ lộc, riêng thịt lợn phải mang về góp lễ làm mâm cơm chung của cả bản.
Nghi lễ cúng thần rừng (phía Đông), sau cúng mọi người cùng hưởng lộc tại chỗ.
Nghi lễ cúng thần gió (phía Bắc) để xin thần gió, thần chớp chớ phá hoại mùa màng, nhà cửa, cây cối mà hãy ban mưa để mùa màng tốt tươi, dân bản có nhiều sức khỏe, sản xuất thuận lợi, ngô, thóc, trâu, lợn đầy nhà.
Nghi lễ cúng thần đất (phía Nam) cầu thần linh bảo vệ lúa, ngô, hoa trái, cây màu cho dân bản.
Trong ngày thứ hai của lễ Gạ ma thú, buổi sáng dân bản vui chơi ở sân giữa bản, buổi chiều là nghi lễ cúng thần lửa, cúng vong linh.
Nghi lễ cúng thần lửa thực hiện bên cạnh dòng suối chảy qua bản, cầu mong thần phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, may mắn, không làm cháy rừng, cháy nhà, cháy gia súc chăn thả trên rừng. Cúng xong, thầy cúng lấy 1 cục than, 1 hòn đá đặt vào một đoạn thân cây chuối tươi rồi chôn xuống suối với ý nghĩa các mái nhà trong bản; gia súc, gia cầm, ruộng nương, hoa màu, cây cối, rừng núi sẽ khó bắt lửa như những bẹ chuối. Sau đó những người giúp việc của thầy cúng mang bẹ chuối tươi ném lên nóc nhà từng hộ gia đình trong bản, vừa ném vừa hô to "Mỳ xò, Mỳ xò” (dập lửa, dập lửa)…
Nghi lễ cúng vong linh, 3 năm một lần, để dâng tế lễ vật, cứu giúp những linh hồn khốn khổ, sống lang thang không nơi nương tựa, không người thờ phụng hay những người chết vì đói khát, bệnh tật, tai nạn, chết rừng, chết chợ… và cầu mong dân bản được bảo vệ, cuộc sống yên ổn, ấm no.
Mâm cúng được thực hiện bên cạnh dòng suối chảy qua bản, đặc biệt lễ vật phải có con chó được đem thui, mổ thịt, nấu chín với quan niệm đây là con vật có thể xua đuổi các thế lực xấu, ngăn chặn ma ác làm hại dân bản.
Ngày thứ 3 là các hoạt động vui chơi như đánh đu, bập bênh, đu quay, ném còn, đánh cù, hát, múa.
Chuẩn bị lễ vật để cúng trong lễ Gạ Ma Thú của đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Lễ Gạ ma thú hội tụ văn hóa dân gian của người Hà Nhì, thể hiện sự gắn bó keo sơn, sự hòa hợp của con người với thiên nhiên, với môi trường; sự tác động qua lại của vạn vật trong quá trình tồn tại và phát triển; lòng biết ơn với những gì mà trời đất đã ban tặng cho người Hà Nhì; là dịp để mọi người bày tỏ tình đoàn kết, gắn bó yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thiếu thốn ở miền biên giới xa xôi.
Lễ Gạ ma thú đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, cầu mong sự che chở của các vị thần linh, tổ tiên, dòng tộc cho cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc; xua tan nỗi ưu tư, phiền muộn trong cuộc sống, đồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn, tôn kính các vị thần, tổ tiên... có công khai phá, bảo vệ bản mường.
Lễ Gạ ma thú góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, giúp cố kết cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ Gạ ma thú (Cúng bản) của người Hà Nhì, tỉnh Điện Biên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019.
Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với ngành văn hóa tiếp tục bảo tồn, tăng cường các biện pháp quảng bá và phát huy giá trị của di sản này.
Tại các bản có cộng đồng dân tộc Hà Nhì sinh sống cũng duy trì hoạt động các câu lạc bộ trình diễn, truyền dạy các nghi lễ truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian.
(Theo Vietenam+)