Yên Bái kích cầu phát triển du lịch sau đại dịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/5/2022 | 7:49:13 AM

YênBái - Hội nghị kích cầu phát triển du lịch "Yên Bái - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” do UBND tỉnh tổ chức ngày 19/4 đã chính thức phát "hiệu lệnh” kích hoạt toàn bộ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái sau đại dịch Covid-19, trong đó điểm nhấn "mở màn” quan trọng đầu tiên là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Biển mây Tà Xùa, huyện Trạm Tấu.
Biển mây Tà Xùa, huyện Trạm Tấu.

Năm 2021, chỉ tiêu về du lịch của Yên Bái không đạt mục tiêu đề ra, cụ thể là lượt khách du lịch chỉ đạt trên 88% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế giảm trên 90% so với năm 2020.

Các con số đã minh chứng rõ nét nhất cho những khó khăn, thách thức mà ngành du lịch Yên Bái phải gánh chịu bởi sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2022, Yên Bái quyết tâm vực dậy mạnh mẽ ngành du lịch địa phương sau một quãng thời gian dài bị "đóng băng” do dịch bệnh hoành hành.


Tận dụng lợi thế "vùng xanh” an toàn 

Yên Bái trở thành tâm điểm khi xuất hiện ca lây nhiễm chéo Covid-19 đầu tiên trong khu cách ly ở thành phố Yên Bái ngày 27/4/2021. Đáng nói khi đây cũng là ca mắc Covid-19 đầu tiên của đợt dịch thứ tư trên phạm vi toàn quốc. 

Với tinh thần quyết liệt, nỗ lực và quyết tâm chính trị cao nhất, ngay lập tức, Yên Bái đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Suốt 7 tháng sau đó, tỉnh giữ vững "vùng xanh” an toàn trên bản đồ dịch bệnh Covid-19 của cả nước. 

Đặc biệt, không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng triệt để và hiệu quả lợi thế này, tỉnh đã chủ động tập trung các giải pháp tích cực để phục hồi, vực dậy và sẵn sàng chuẩn bị cho sự khởi động trở lại các hoạt động mở cửa du lịch như: tiêm đủ mũi vắc-xin cơ bản phòng Covid-19 cho các đối tượng, nhất là người lao động trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ; hướng dẫn và triển khai cho các cơ sở dịch vụ tự đánh giá an toàn phục vụ khách du lịch; tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; làm mới, hoàn thiện các sản phẩm du lịch; kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ; sẵn sàng mở cửa an toàn để đón, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.  


Du khách nhí trải nghiệm hoạt động trồng trọt tại Khu du lịch nghỉ dưỡng Om Tara Retreat, huyện Yên Bình. 

Năm 2021 có thể xem là thời điểm trầm lắng của du lịch Yên Bái. Song, năm 2021 cũng đem tới niềm vui không nhỏ đối với nhân dân các dân tộc Yên Bái. Ngày 15/12, UNESCO đã chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ngày cuối cùng của năm 2021, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải của Thủ tướng Chính phủ và Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 

Niềm vinh dự vô cùng to lớn này được Yên Bái xác định phải đi cùng với trách nhiệm quản lý, bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị cũng như gắn liền với việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá các di tích, di sản phục vụ phát triển du lịch, thiết thực góp phần tích cực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải nói riêng, của tỉnh Yên Bái nói chung.

Đón trên 45.000 lượt khách, doanh thu trên 37 tỷ đồng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày, du khách lựa chọn các khu, điểm du lịch có sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, tham quan và trải nghiệm văn hóa cộng đồng, thưởng thức ẩm thực đặc sắc nghỉ dưỡng dài ngày. 

Các khu, điểm du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ, cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Tình hình an ninh, an toàn đối với du khách được chú trọng bảo đảm an toàn; không có tình trạng gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám khách. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Các nhà hàng phục vụ khách du lịch đảm bảo các điều kiện đón khách, niêm yết giá, bán công khai, bán đúng giá, chú trọng thực hiện việc nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng bộ các giải pháp và phối hợp thực hiện hiệu quả, doanh thu từ hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt trên 37 tỷ đồng, đón trên 45.000 lượt khách, công suất phòng trung bình đạt 55 - 60%. 

Thời điểm quan trọng mở cửa trở lại

Dịch bệnh Covid-19 ngày càng được kiểm soát tốt, các hoạt động của đời sống xã hội gần như đã trở lại bình thường khi cả nước nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành phương án mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới. 

Với chủ trương này, Yên Bái xác định chính là cơ hội lớn cho ngành du lịch địa phương tái khởi động sau thời gian chịu rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, tập trung khắc phục hiệu quả các hạn chế và tồn tại, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

Trước đó, ngày 28/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái năm 2022 đồng thời chỉ đạo quyết liệt để ban hành các chương trình, phương án nhằm xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động du lịch. 

Bám sát phương án mở cửa lại hoạt động du lịch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái đã khẩn trương ban hành Chương trình số 03/CTr-VHTTDL ngày 15/3/2022 kích cầu du lịch Yên Bái năm 2022 trong điều kiện bình thường mới với chủ đề "Yên Bái - điểm đến an toàn, hấp dẫn và ấn tượng”.

Hội nghị kích cầu phát triển du lịch "Yên Bái - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” do UBND tỉnh tổ chức ngày 19/4 đã ghi dấu một sự kiện quan trọng và được tổ chức đúng thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch quốc tế. Đây là hội nghị về du lịch quy mô cấp tỉnh đầu tiên của Yên Bái sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Mục tiêu của hội nghị nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 với ngành du lịch, trao đổi và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp kích cầu để thu hút khách du lịch, phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả và bền vững. 

Có thể nói, Hội nghị kích cầu phát triển du lịch đã chính thức phát "hiệu lệnh” kích hoạt toàn bộ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sau đại dịch Covid-19, trong đó điểm nhấn "mở màn” quan trọng đầu tiên là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. 

Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ

Ngay sau "hiệu lệnh” kích hoạt trở lại hoạt động du lịch của lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các sở, ngành và tất cả các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái đã khẩn trương ban hành văn bản về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch và đảm bảo  an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đến các đơn vị trực thuộc Sở và đến UBND các huyện, thị xã, thành phố. 

Trên cơ sở đó, các địa phương có các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã nhanh chóng ban hành văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện đến các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn quản lý. 

Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã ban hành văn bản triển khai và báo cáo các nội dung theo lĩnh vực. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên, doanh nghiệp du lịch chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch đảm bảo an ninh, an toàn. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn; niêm yết giá, bán đúng giá; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch Covid-19. Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ đã nghiêm túc chấp hành các quy định. 

Đặc biệt, trong dịp này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công bố số điện thoại đường dây nóng gồm: Phó Giám đốc, Chánh Thanh tra, Trưởng phòng Quản lý du lịch của Sở để kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý các phản ánh của du khách. Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 1 đoàn kiểm tra chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các huyện, thị xã khu vực phía Tây. 

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan đều công khai số điện thoại để giải quyết phản ánh, kiến nghị của du khách, nhân dân và của các địa phương. Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ đã công bố số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo đơn vị, cơ sở để giúp du khách thuận lợi trong quá trình tiếp cận và phản ánh thông tin.


Du khách check-in tại Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe Đại Phú An, huyện Văn Yên. 

Đón đầu xu hướng du lịch hậu Covid-19

Kết hợp linh hoạt xu hướng "du lịch 4.0” (vai trò kết nối giá trị của công nghệ kỹ thuật số) và "du lịch 0.4” (du lịch trở về với thiên nhiên), Yên Bái đã và đang mang tới cho du khách các sản phẩm đón đầu xu hướng du lịch hậu Covid-19 thông qua tận dụng tối đa, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với văn hóa bản địa đặc sắc, đặc biệt là chính sách phát triển du lịch xanh của tỉnh. 

Soi chiếu thực tế cho thấy, tất cả các địa phương đã tái khởi động nhiều hoạt động du lịch và được du khách lựa chọn tham quan. Điển hình tại tuyến phố đi bộ Hào Gia, Lý Đạo Thành ở thành phố Yên Bái diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc; biểu diễn nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật đương đại... 

Thị xã Nghĩa Lộ tổ chức nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các thôn, bản, khu di tích lịch sử - văn hóa kết hợp tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống; khám phá thiên nhiên, trải nghiệm các phương thức canh tác, sản xuất nông nghiệp; tham quan đồi chè mô hình trồng rau màu, cây ăn quả... 

Du khách đến Mù Cang Chải dịp này không chỉ đắm say với ruộng bậc thang long lanh như gương trời mùa nước đổ mà còn được nghỉ ngơi, thư giãn ở các khu nghỉ dưỡng, thưởng thức những món ăn đặc sắc. Du khách cũng được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Mông với việc cày cấy, đi bắt cá suối, lên nương trồng trọt, dạy tiếng Anh cho trẻ em hay khám phá Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, Di tích bãi đá cổ, chinh phục đỉnh Lùng Cúng... 

Các địa phương khác cũng đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động như: Đêm tiệc trà - Không gian văn hóa Trà tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; chinh phục đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù hay du lịch cộng đồng tại chòm Cu Vai, xã Xà Hồ của huyện Trạm Tấu; du lịch sinh thái xã Lâm Thượng, du lịch tâm linh xã Tân Lĩnh, Tô Mậu ở huyện Lục Yên; du lịch cộng đồng xã Việt Hồng, Hồng Ca, Kiên Thành của huyện Trấn Yên... 

Huyện Văn Yên đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khỏe có Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe Đại Phú An, ra mắt sản phẩm OCOP 4 sao "Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát” xã Nà Hẩu… 

Đặc biệt, hồ Thác Bà và các khu, điểm du lịch cộng đồng, làng nghề vùng Đông hồ thật sự "hút” khách với nhiều lựa chọn như sống trải nghiệm cùng người dân bản xứ, tham quan các làng nghề, di tích, danh lam thắng cảnh.

Đón đầu xu hướng, kích cầu đúng hướng với các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp đã cho thấy hiệu quả thiết thực, rõ nét từ hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua tại tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cũng có thể nói rằng, điểm nhấn "mở màn” kích hoạt trở lại toàn bộ hoạt động du lịch đã thành công rất tốt đẹp. Bước tạo đà mạnh mẽ này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch Yên Bái để tiếp tục tăng tốc, phục hồi và phát triển trong tương lai.

Ông Nguyễn Lê Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình: 



"Huyện Yên Bình đã triển khai các giải pháp phù hợp để kích cầu du lịch, phục hồi và phát triển các homestay hiện có gắn với phát triển sinh thái hồ Thác Bà đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Yên Bình đã đón trên 25.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng, tăng 250% so với cùng kỳ năm trước”. 

Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt: 



"Bên cạnh các tour du lịch tại huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ, năm nay Công ty đưa vào sản phẩm Du lịch xanh - du lịch trải nghiệm dành cho gia đình như: mò cua, bắt trai trai, tôm cá; chơi thác... Dịp nghỉ lễ vừa qua, doanh nghiệp đã triển khai sản phẩm Du lịch xanh tại xã Phúc An, huyện Yên Bình. Để đảm bảo chất lượng phục vụ, chúng tôi không nhận hết lượng khách đăng ký. Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh tại các địa phương”.

Chị Xuân Hương - du khách đến từ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội:



"Chúng tôi thật sự yêu thích những khu, điểm du lịch của Yên Bái bởi cảnh quan rất đẹp, bình yên, hoang sơ. Tôi thích đảo hồ Thác Bà xanh mướt, thích được thư giãn ngâm mình trong nước nóng mà vẫn ngắm được ruộng lúa ngay gần trước mắt và tầng mây phía xa ở Trạm Tấu... Tôi nghĩ các điểm đến của Yên Bái nên cố gắng giữ để không bị đô thị hóa, bê tông hóa vì sự nguyên vẹn của cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa chính là điểm thu hút chúng tôi đến đây”.

5 xu hướng du lịch thời kỳ hậu Covid-19

Theo các chuyên gia, có 5 xu hướng du lịch thời kỳ hậu Covid-19 hiện nay:

Thứ nhất, xu hướng du lịch không chạm. Sự phát triển của tự động hóa trong nhiều khâu, công đoạn trong quá trình di chuyển giúp du khách yên tâm hơn trong hành trình du lịch và tối ưu hóa trải nghiệm của du khách. Đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, tránh được những nguy cơ có thể làm mất giấy tờ, chẳng hạn như thanh toán điện tử, check-in điện tử…

Thứ hai, xu hướng du lịch lưu trú ở gần (Staycation). Đây là loại hình du lịch trong phạm vi gần, không cần trải qua chuyến hành trình dài ngày ở một nơi xa xôi cũng không cần phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Du lịch lưu trú gần là những tour du lịch được thiết kế dành riêng cho người dân địa phương, thường liên quan đến các hoạt động khám phá văn hóa, lịch sử hay những địa danh mà người dân thường ít chú ý đến. 

Thứ ba, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Một sự phối hợp giữa khám phá truyền thống và chăm sóc sức khỏe, trị liệu. Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe mang đến cho du khách những giây phút lắng đọng, xua tan mệt mỏi sau một khoảng thời gian dài bận rộn thông qua các hình thức trị liệu, dịch vụ chăm sóc cao cấp... Loại hình này đã và đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. 

Thứ tư, xu hướng du lịch xanh, trải nghiệm. Tổ chức Du lịch Thế giới cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khu vực nông thôn mang tới thời cơ để phục hồi ngành du lịch khi du khách tìm kiếm những điểm đến mới, vắng người, trải nghiệm không gian và hoạt động ngoài trời. Từ góc độ nhu cầu du lịch, nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe của khách du lịch ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, xu hướng "sống xanh”, trải nghiệm thiên nhiên sẽ thay thế cho dịch vụ nghỉ dưỡng trong các khách sạn, resort khép kín. 

Thứ năm, xu hướng du lịch gia đình. Đây cũng là một trong những hình thức nghỉ ngơi được ưa chuộng hiện nay và được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hậu Covid -19.

Nguyễn Thơm - Thanh Ba

Tags Yên Bái kích cầu du lịch sau đại dịch

Các tin khác
Du khách tham gia các hoạt động dã ngoại tại đồi thông Eo Gió, huyện Trạm Tấu.

Những năm gần đây, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, huyện Trạm Tấu đã và đang xây dựng, phát triển du lịch theo hướng xanh gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng - điểm du lịch mới thu hút nhiều du khách tham quan, khám phá. (Ảnh: Thu Trang)

Năm 2022, huyện Văn Yên phấn đấu đón và phục vụ khoảng 360.000 lượt khách du lịch, trong đó 123.000 lượt khách lưu trú; doanh thu từ du lịch đạt 150 tỷ đồng.

Lùng Cúng - điểm đến của những đam mê và chinh phục.

Nằm ở độ cao 2.913 m so với mực nước biển thuộc địa bàn xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Lùng Cúng là một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Những năm gần đây, du lịch Yên Bái ngày càng phát triển với nhiều địa danh, phong cảnh độc đáo, bản sắc riêng có như ở Mù Cang Chải.

Du khách check-in tại đỉnh Fansipan.

Từ ngày 9/5/2022 đến hết 31/5/2022, Sun World Fansipan Legend giảm giá vé cáp treo tới 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc, tặng buffet trưa miễn phí cho du khách khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục