Những ngày này, Homestay Hướng Kim, tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh đang tất bật vệ sinh lại bể bơi tắm khoáng nóng cũng như chuẩn bị phòng ốc để đón khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Ông Sa Văn Hướng - Homestay Hướng Kim cho biết: "Hiện tại, tôi có 1 bể bơi tập trung và 30 phòng tắm khoáng, tắm thuốc Bắc dành cho cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, tôi còn có 8 phòng ngủ khép kín và nhà ở cộng đồng có thể đáp ứng 50 - 60 khách/đêm. Thời điểm này, đã có nhiều khách hàng ở xa gọi điện hỏi thông tin và đặt phòng cho gia đình trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Gia đình tôi cũng đã chuẩn bị các điều kiện thiết yếu về thực phẩm, vệ sinh bể bơi, phòng ốc để sẵn sàng phục vụ du khách”.
Được biết, cùng với Homestay Hướng Kim, tại tổ dân phố Suối Khoáng cũng có gần chục hộ tận dụng, khai thác lợi thế suối khoáng để phát triển dịch vụ du lịch. Theo bà Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh, thời gian qua, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ có điều kiện để phát triển dịch vụ du lịch suối khoáng gắn với lưu trú, ẩm thực.
Bên cạnh đó, thị trấn đã cho các hộ tham gia các lớp tập huấn về du lịch; phối hợp với huyện tổ chức lớp học nghề về du lịch tại tổ dân phố Suối Khoáng; phối hợp với các doanh nghiệp cho các hộ đi tham quan, học hỏi về du lịch cộng đồng...
Nhờ đó, sản phẩm du lịch suối khoáng tại địa phương đang dần được nhiều người biết đến. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 7.500 lượt khách đến thăm quan, lưu trú, sử dụng dịch vụ tắm khoáng tại địa phương.
Cùng với thị trấn Sơn Thịnh, điểm suối khoáng tại xã Tú Lệ từ lâu đã thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác và sử dụng; trong đó, nổi bật là Khu du lịch nghỉ dưỡng Lechamp - Tú Lệ tạo cảnh quan kết hợp sử dụng nguồn suối khoáng nóng để thu hút du khách. Ngoài ra, tại xã cũng khuyến khích người dân làm du lịch, xây dựng các homestay trải nghiệm các giá trị văn hóa dân tộc Thái, tắm suối khoáng nóng và thưởng thức xôi nếp Tú Lệ.
Được biết, hiện nay, nguồn suối khoáng nóng tự nhiên tập trung tại thị trấn Sơn Thịnh và xã Tú Lệ. Với lợi thế đó, huyện Văn Chấn hướng tới phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe gắn với các giá trị văn hóa, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn đem đến những giá trị trải nghiệm cho du khách.
Huyện đã triển khai các quy hoạch, đề án phát triển du lịch theo hướng toàn diện, bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Văn Chấn đang tập trung triển khai các giải pháp thu hút các nhà đầu tư tại các điểm du lịch trên địa bàn. Cùng đó, quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề hướng phục vụ phát triển du lịch; tổ chức các lớp học bảo tồn các giá trị văn hóa tại các trường học, định hướng ngành nghề cho học sinh các cấp liên quan tới du lịch (nghiệp vụ nấu ăn, pha chế...)
Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Từ đầu năm đến nay, huyện đã đón trên 61.000 lượt khách đến tham quan, sử dụng các dịch vụ du lịch của huyện với doanh thu trên 55 tỷ đồng. Việc phát triển du lịch suối khoáng đã tạo nên giá trị riêng đặc trưng của du lịch Văn Chấn, tạo sự liên kết giữa các sản phẩm chủ đạo: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí… để hướng tới xây dựng Văn Chấn trở thành điểm đến hấp dẫn - nơi hội tụ sắc màu văn hóa”.
Hùng Cường