Hương tết Việt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đất trời vào xuân trong vòng quay hối hả, trong sự bận rộn mong hoàn tất công việc bộn bề của năm cũ để đón xuân trong sự thanh nhàn, hoàn hảo. Dù cho có trăm công nghìn việc thì chuẩn bị bánh chưng tết vẫn là việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tết xưa, xuân xưa còn gợi lại bao điều qua đôi câu đối tết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cái thần tài của đôi câu đối đã bao hàm được những nét đặc trưng nhất trong cái tết cổ truyền rất riêng có của dân tộc Việt Nam. Và trong đó “bánh chưng xanh” chính là cội nguồn của dân tộc Việt làm nên hương tết Việt.

Tự thuở xưa giữa những món ăn sơn hào hải vị, giữa các loại bánh được làm cầu kỳ và sang trọng của các hoàng tử dâng lên vua cha, Vua Hùng Vương đã hết sức thú vị trước cặp bánh chưng, bánh dày của hoàng tử Lang Liêu, đó là một món ăn ngon miệng đến lạ kỳ lại được tạo nên bởi những thứ thật giản dị, đời thường mà hàm chứa ý nghĩa cao cả, thiêng liêng. Bên cạnh bánh dày tượng trưng cho Trời là chiếc bánh chưng tượng trưng cho Đất. Với màu xanh của lá dong, của nhân đỗ, của tiêu, hành đại diện cho cỏ cây hoa lá, có nhân thịt đại diện cho chim thú muôn loài như nhắc nhớ về cội nguồn của sự sống, về công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Món ăn của hoàng tử Lang Liêu với tất cả tấm lòng thành kính dâng lên vua cha đã được truyền lại cho thế hệ muôn đời.

 

Cái cảm giác thú vị, đợi chờ ngày mẹ gói bánh chưng tết đã đi vào trong tôi từ những ngày thơ bé. Những đứa trẻ chúng tôi túm tụm xem gói bánh chưng. Bàn tay khéo léo của bà, của mẹ, nâng niu tàu lá dong xanh rồi gập, rồi xếp sao mà tài tình, sao mà khéo léo, chỉ trong phút chốc chiếc bánh chưng vuông vức đã thành hình… 

 

Giúp mẹ chuẩn bị gạo gói bánh chưng.

Tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi tìm hiểu và bắt tay vào làm mới thấy để có bánh chưng ngon là đòi hỏi hết sức công phu và khéo léo. Đó là sự cẩn thận và cầu kỳ từ khâu chọn lá: những tàu lá còn tươi xanh đều tăm tắp, không được già, cũng không quá non. Trước khi gói bánh, lá dong phải được rửa sạch, để ráo nước. Rồi chọn gạo, gạo nếp ngon, dẻo và đặc biệt là thơm sẽ được lựa chọn để gói bánh. Đó sẽ là nếp Tú Lệ, nếp cái Hoa vàng hay các loại nếp nào khác thì mỗi lựa chọn đều mong có bánh chưng rền, thơm và để được lâu nhất. Thịt để làm nhân bánh phải có cả nạc, cả mỡ, để khi nấu lên mỡ mềm, tan ra ngấm vào gạo tăng thêm độ ngậy cho bánh. Pha nhân bánh cũng cần phải khéo léo, không quá dày, cũng không quá mỏng, miếng thịt phải liền không được vụn vặt… Thịt được ướp gia vị, đặc biệt là không thể thiếu tiêu, hành. Hạt tiêu say nhỏ ướp nhân bánh vừa thơm ngon, vừa có vị cay tăng tính hấp dẫn cho người thưởng thức.

 

Gia đình Ông Nguyễn Ngọc Túc, bà Nguyền Thị Thuý ở phường Yên Ninh - thành phố Yên Bái vốn giữ được nếp xưa là gói bánh chưng để dâng lên ông bà tổ tiên mỗi khi tết đến xuân về. Từ 5 năm trở lại đây do nhu cầu đặt bánh chưng tết của những nhà hàng xóm và người thân quen mà gia đình ông bà trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình đến đặt bánh chưng tết. Từ trước tết 1 tháng đã có người đánh tiếng đặt bánh. Mỗi chiếc bánh chưng với giá từ 8 - 10.000 nghìn đồng, như tết năm ngoái ông bà gói tới 1.000 chiếc bánh. Với bí quyết riêng của mình bánh chưng nhà ông Túc, bà Thuý luôn được mọi người tin tưởng, đặt mua. Đó cũng là công việc mà ông bà thấy được vui tay vui chân lúc tuổi già lại giữ gìn được nét đẹp cổ truyền của dân tộc.

 

Dù cho trong nhịp sống hiện đại gói bánh chưng tết đã không còn được mấy gia đình lưu tâm đặc biệt là ở nơi phố thị, song tại những miền quê Việt Nam tục gói bánh chưng ngày tết vẫn còn được lưu giữ đó là nếp nhà, đó là cái hồn của tết không dễ gì bỏ được. Bánh chưng vẫn là thứ không thể thiếu làm nên hương vị của tết. Trong mâm cơm dâng lên ông bà tiên tổ, làm sao có thể thiếu bánh chưng, trong bữa cơm tất niên gia đình xum họp bánh chưng là cái để mỗi người con nhắc nhớ về cội nguồn về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ lớn lao như Trời và Đất mà thuở xưa Lang Liêu từng tâm niệm. Tin rằng trong hành trang của không ít người hôm nay đã có thủa thiếu thời say sưa với sự tích về bánh chưng, bánh dày với những câu chuyện cổ được mẹ, được bà kể bên bập bùng ánh lửa trông nồi bánh chưng đêm cuối năm.

 

 Ngọc Tú - Thành Trung

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 16/5, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị về thúc đẩy phát triển du lịch thị xã.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán

Thành phố Yên Bái là nơi chứa đựng nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ nhiều thế kỷ với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều lễ hội, nghi lễ và lễ tục đẹp, góp phần tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay. Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây quy mô cấp vùng được tổ chức tại Tiền Giang.

Ghềnh Đá Đĩa - địa điểm du lịch Phú Yên nhất định phải đến một lần

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam, TikTok Việt Nam sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Nét đẹp Việt mùa 2”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục