Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vũ Thị Mai Oanh phấn khởi thông tin: "Năm 2024, ngành du lịch Yên Bái ước đón và phục vụ trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 3%, trong đó khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt; doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng, bằng 119,3% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ. Đáng vui mừng, năm 2024 tiếp tục là một năm "bội thu” của du lịch Yên Bái. Thành công này tiếp tục khẳng định định hướng đúng đắn, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành đồng thời khẳng định nỗ lực, quyết tâm rất cao của toàn ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mỗi người dân đã góp sức đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ”.
Ghi nhận đầu tiên, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đậm nét đã tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Yên Bái đối với du khách. Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch Yên Bái thực hiện tuyên truyền, quảng bá thông qua các sự kiện lễ hội, hội chợ trong nước và trên mạng Internet, Trang Thông tin điện tử Du lịch Yên Bái, các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm, biển quảng cáo lớn.
Công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều đổi mới về phương thức, nội dung. Năm 2024, Yên Bái thực hiện nhiệm vụ tốt chuyển đổi số về du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật dữ liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn lên Cổng Thông tin Du lịch tỉnh; tích hợp Cổng Thông tin Du lịch tỉnh với các ứng dụng, nền tảng khác như: fanpage Thông tin Du lịch tỉnh, website Cổng Thông tin điện tử tỉnh, ứng dụng Công dân số YenBai-S.
Các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá hình ảnh, kết nối điểm đến, dịch vụ với du khách qua mạng Internet; cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, cung cấp miễn phí dịch vụ Internet không dây cho khách du lịch đến hầu hết các trung tâm, địa điểm, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch từ ngân sách Nhà nước hoặc bằng hình thức xã hội hóa.
Ngành du lịch Yên Bái tham gia hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An. Năm nay, tỉnh đã hợp tác quốc tế với tỉnh Yamanashi, Nhật Bản và ký kết bản ghi nhớ về 5 lĩnh vực hợp tác chính, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Một điểm nhấn của du lịch Yên Bái là chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có, hình thành các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn theo phương châm "Sản phẩm mới, phong cách mới, trải nghiệm mới”, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương và hình thành các sản phẩm mới với giá trị độc bản, khác biệt.
Yên Bái đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh như: du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với các di sản thiên nhiên, mỏ khoáng nóng, khu vực trồng và chế biến dược liệu... Tỉnh chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp bối cảnh, phân khúc thị trường khách từng thời điểm để hình thành sản phẩm "du lịch 4 mùa”.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng về du lịch từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Yên Bái hiện có 562 cơ sở lưu trú, trong đó có 15 cơ sở lưu trú xếp hạng từ 1 sao đến 3 sao. Loại hình nhà ở có phòng cho thuê phát triển khá nhanh, đã có 268 hộ hoạt động homestay, trong đó có 129 cơ sở đã kiểm tra đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ.
Các cơ sở lưu trú quan tâm xây dựng thương hiệu riêng và cải tạo, nâng cấp, bổ sung các dịch vụ bổ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp hơn. Thêm nữa, ngành tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và năm 2024 lần đầu tiên tổ chức Hội thi "Hướng dẫn viên du lịch tiêu biểu”.
Năm 2024 khép lại với thành công của du lịch Yên Bái. Vững tin bước vào năm mới 2025, du lịch Yên Bái đặt mục tiêu thu hút du khách nhiều hơn, doanh thu cao hơn. Thành quả đã có chính là nền tảng, là động lực thúc đẩy du lịch Yên Bái tiếp tục vươn xa.
Thu Hiền