Trong dịp đầu Xuân Ất Tỵ, trên địa bàn tỉnh diễn ra trên 40 điểm lễ hội truyền thống. Trong đó có 3 điểm lễ hội được tổ chức ở các Khu di tích cấp quốc gia là: Lễ hội đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, lễ hội đền Nhược Sơn xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên và lễ hội đền Thác Bà, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Cùng với đó, một số điểm lễ hội diễn ra thường niên, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương do cấp xã quản lý như: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Thái, Nùng; lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Dao, Tày, Khơ Mú; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Rằm tháng Giêng của dân tộc Thái…
Một số lễ hội diễn ra tại các điểm di tích lịch sử - văn hoá như: Đền Trái Đó, đình Trạng, đình Ngòi A (huyện Văn Yên); đền Hoá Cuông, đền Hạ Bằng La, đền Quy Mông, đình làng Dọc (huyện Trấn Yên); đình, đền, chùa Nam Cường (thành phố Yên Bái); đình Ba Chãng, đình Khả Lĩnh, đình Phúc Hòa (huyện Yên Bình); đình Bằng Là (huyện Văn Chấn); đình Bản Phố, đình Làng Xóa, đền Suối Tiên (huyện Lục Yên)… Mỗi lễ hội thể hiện một giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương, dân tộc; góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Để mùa lễ hội năm nay diễn ra văn minh, đảm bảo yếu tố tâm linh, tiết kiệm, giữ đúng bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa của nhân dân, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã ban hành Công văn số 22/VHTTDL-NSVH ngày 6/1/2025 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện việc tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh về quản lý, tổ chức lễ hội.
Trong đó, xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, chương trình, thành lập Ban tổ chức và phân công trực tiếp chịu trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, đặc biệt là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; việc quản lý tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội tại các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý thu, chi tài chính theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại địa phương.
Các địa phương tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội, phần lễ đảm bảo trang nghiêm, thành kính; phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, cổ truyền mang đặc trưng của vùng, miền, đảm bảo vui tươi, lành mạnh. Nghiêm cấm các hình thức mê tín dị đoan, các hủ tục gây phản cảm, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã...; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, các hành vi vi phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội. Đặc biệt là chú trọng xây dựng các phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; quản lý các dịch vụ ăn, nghỉ cho du khách, đảm bảo bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá. Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho du khách, người tham gia lễ hội và chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách tham dự lễ hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra sở và các phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở thành lập đoàn kiểm tra tại các đình, đền, chùa và các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các điểm tổ chức lễ hội tại các địa phương; hướng dẫn Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích và nhân dân, du khách khi tham gia các hoạt động tại lễ hội kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm trái với thuần phong mỹ tục, trái các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội...
Với sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa công tác quản lý và tổ chức, lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên ở một số lễ hội vẫn còn để xảy ra tình trạng không đẹp mắt như: ở một số di tích vẫn còn đặt nhiều hòm công đức và khay tiền giọt dầu; hàng quán còn lộn xộn, ý thức thực hiện nếp sống văn minh của một bộ phận nhỏ người dân và du khách còn chưa cao, vẫn còn thắp hương nhiều trong đền, dâng cúng và đốt nhiều vàng mã, đặt lễ, tiền không đúng nơi quy định, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra…
Cộng đồng là chủ thể của lễ hội, muốn giữ được vai trò đó thì mỗi người tham gia lễ hội phải có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần làm cho lễ hội phát triển lành mạnh. Bởi thế, trong thời gian tiếp theo, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; giúp cho người tham gia lễ hội nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của lễ hội, tự giác thực hiện nếp sống văn minh, điều chỉnh hành vi và có những ứng xử đúng đắn. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tổ chức và quản lý giữ gìn không gian, môi trường văn hóa cho lễ hội. Đồng thời có những chế tài đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn những hành vi sai phạm.
Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa trong quản lý mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là ý thức trách nhiệm, tuân thủ đầy đủ các quy định về nếp sống văn minh của mỗi người dân khi tham gia vào các hoạt động lễ hội. Có như vậy các lễ hội xuân 2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái mới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thanh Chi