Mong có thêm nhiều mô hình du lịch như ở Nghĩa An!
- Cập nhật: Thứ ba, 31/8/2010 | 3:18:58 PM
YBĐT - Hiện nay, ở nhiều địa phương trong vùng đồng bào Thái, Mường ở Mường Lò cũng như nhiều địa phương khác có lợi thế gần trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn và đồng bào vẫn bảo tồn được những sắc thái văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đẹp cũng có thể tham khảo cách làm của người Thái xã Nghĩa An để đầu tư xây dựng thiết chế nhà văn hóa gắn với phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch.
Khách du lịch thưởng thức các món ăn của đồng bào Thái ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ).
|
Nhà văn hóa xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Đây là nhà văn hóa có quy mô lớn và đẹp nhất trong số rất ít các nhà văn hóa cấp xã, phường trong toàn tỉnh. Ngôi nhà sàn rộng 5 gian bằng bê tông cốt thép, thiết kế dựa theo lối kiến trúc của đồng bào Thái; vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở của ngành văn hóa - thể thao & du lịch là 100 triệu đồng và nhân đóng góp vật liệu, công lao động là 43 triệu đồng.
Cùng ngôi nhà sàn cách tân này, Nghĩa An còn xây dựng một ngôi nhà sàn khá rộng, đẹp bằng gỗ theo nguyên mẫu của nhà sàn Thái. Từ khi khu nhà văn hóa đưa vào sử dụng, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã xác định phải sử dụng công trình thật hiệu quả. Và không chỉ đơn thuần để tổ chức các sinh hoạt văn hóa, hội họp, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật… đến với nông dân mà còn phải coi đây là tiền đề cơ sở vật chất gắn với khai thác lợi ích kinh tế, trong đó trọng tâm là kinh tế du lịch.
Trên thực tế, vài năm trước đây, khái niệm về kinh tế du lịch còn rất xa lạ đối với đại đa số đồng bào dân tộc Thái nơi này, trong khi địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch cảnh quan, văn hóa tộc người và ẩm thực. Lãnh đạo xã đã chủ động tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào định hướng kinh tế đó bởi nhiều nơi ở Sơn La, Hòa Bình với đặc thù giống như Nghĩa An đã phát triển du lịch cộng đồng rất thành công. Đồng thời, lãnh đạo địa phương tích cực tranh thủ sự ủng hộ của thị xã và các giải pháp chuyên môn của ngành văn hóa - thể thao & du lịch.
Với sự quyết tâm của người dân cùng sự ủng hộ từ nhiều phía, người dân Nghĩa An đã tập làm du lịch. Các chàng trai, cô gái Thái xinh đẹp được tập hợp lại để truyền dạy dân ca, dân vũ, dệt thổ cẩm, nấu ăn, hướng dẫn viên… và trở thành lực lượng chủ lực của nhà văn hóa mỗi khi có khách đến thăm. Trong khuôn viên cũng như trong nhà sàn trưng bày nhiều khung cửi, các vật dụng của đồng bào Thái như: chăn, đệm, ghế mây, thổ cẩm… đã giúp cho du khách phần nào hình dung, cảm nhận và được sống trong không gian văn hóa của cộng đồng người Thái ở Nghĩa An.
May mắn có mặt tại nhà văn hóa xã Nghĩa An từ khi khánh thành cho đến những lần tham dự theo tinh thần quảng bá tiềm năng du lịch, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như cách làm du lịch của người dân địa phương. Những chàng trai, cô gái mới buổi đầu còn rụt rè thì nay đã thật sự tự tin, duyên dáng khiến du khách mê đắm cùng làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Họ đã thổi hồn cho bữa tiệc thêm đậm đà hương vị với những món ăn dân dã như: xôi nếp Tú Lệ, cơm lam, cá nướng, thịt trâu nướng, rau rừng đồ xôi… do các nghệ nhân người Thái chế biến. Vì thế, chẳng có mấy ai khi đến Nghĩa An thăm quan cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực rồi rời vòng xòe ra về mà không lâng lâng cảm giác nồng say, say tình và say người...
Ông Lường Láng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết, hai năm trở lại đây, khách đến với nhà văn hóa Nghĩa An ngày càng đông dần, trong đó có rất nhiều đoàn từ Hà Nội và các tỉnh đồng bằng tìm đến qua giới thiệu của bạn bè. Nhà văn hóa của xã hiện nay đã bảo đảm năng lực phục vụ cả trăm thực khách cũng như nếu khách có nhu cầu nghỉ lại qua đêm. Hoạt động đón tiếp khách du lịch bước đầu đã mang lại những lợi ích kinh tế nhất định cho người dân cùng tham gia làm du lịch. Và qua đó đã tạo động lực để nhiều người dân hăng hái bảo tồn các giá trị văn hóa phục vụ hoạt động du lịch. Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa An thông qua hoạt động thực tế tại nhà văn hóa và ở cơ sở đã có thêm kinh nghiệm thực tiễn để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch.
Hiện nay, ở nhiều địa phương trong vùng đồng bào Thái, Mường ở Mường Lò cũng như nhiều địa phương khác có lợi thế gần trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn và đồng bào vẫn bảo tồn được những sắc thái văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đẹp cũng có thể tham khảo cách làm của người Thái xã Nghĩa An để đầu tư xây dựng thiết chế nhà văn hóa gắn với phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Hơn 45.000 người trên khắp thế giới đã quy tụ tại một thành phố nhỏ miền Valencia ở Tây Ban Nha tham gia lễ hội ném cà chua hằng năm, để dùng 100 tấn cà chua chín ném nhau. Đây được cho là cuộc ném cà chua lớn nhất từ trước tới nay.
YBĐT - Tại Yên Bái, chủ yếu là các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, sơn tra (còn gọi là táo mèo) mọc tự nhiên ở các triền núi có độ cao so với mặt biển từ 700 mét trở lên. Cây nở hoa vào mùa xuân, cho quả chín vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Quả sơn tra có đủ vị chua - chát - ngọt, mới nhấm vào thấy chát se nơi đầu lưỡi, song chỉ một lát vị ngọt sẽ lan toả cùng mùi thơm gây cảm giác thật dễ chịu.
Hơn 100 món ăn chay sẽ được giới thiệu tại Lễ hội ẩm thực chay 2010, diễn ra từ ngày 26 đến 29-8, tại Công viên 23-9 (TPHCM) nhân mùa Vu lan báo hiếuNgày hội diễn ra với nhiều hoạt động như: hội thi sắc màu ẩm thực chay, đêm tri ân mẹ, vào bếp cùng người nổi tiếng, đêm hoa đăng, con yêu mẹ...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, vụ phó Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), cho biết từ 25-8 sẽ tiếp nhận hồ sơ, ý tưởng dự thi tìm kiếm biểu tượng và khẩu hiệu mới cho du lịch Việt Nam nhằm sử dụng trong hoạt động tiếp thị giai đoạn 2011-2015.