Miên man rêu đá Mường Lò
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2011 | 3:37:38 PM
YBĐT - Cái rét đến cắt da, cắt thịt của miền rừng Tây Bắc tan dần trong nắng ấm ban mai. Xuân đến trên những nhành cây nảy lộc xanh non, cũng là lúc dưới dòng suối Thia hiện lên màu xanh biếc của rêu đá.
Rêu dài óng mượt, dịu dàng, mơn man, uốn lượn lờ như vũ nữ theo làn nước trong vắt. Rêu là một thứ thực phẩm truyền thống của người Thái Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ). Người ta bảo, ăn rêu đá suối Thia giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt và chống cao huyết áp. Theo bí quyết của người Thái cổ thì ăn rêu chống được ngã nước, sốt rét, sơn lam chướng khí... nên những người trước khi đi rừng nhất thiết phải nướng rêu ăn.
Nói đến rêu đá Mường Lò người ta liên tưởng đến truyền tích về một mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Truyện kể rằng, hai người yêu nhau tha thiết nhưng rồi bị chia cắt. Cô gái khóc đến độ nước mắt chảy dài thành dòng Thia. Người yêu cô hối hận ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Không biết có phải thế mà rêu suối ngòi Thia ngon nhất chín bản mười mường của vùng Tây Bắc.
Rêu đá được chế biến thành nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc của người Thái vùng lòng chảo Mường Lò, nhất là trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái. Khi ở dưới nước, rêu đá như mái tóc của người con gái mới gội, mượt mà óng ả, được dòng nước trong chải hết bụi bặm. Không biết rêu đá có từ bao giờ, rêu mọc bốn mùa dưới nước, trên những tảng đá to, nhỏ. Rêu là món ăn chỉ dành cho khách quý, được chế biến thành nhiều món: nào là rêu nướng, rêu rán, nhưng độc đáo hơn vẫn là rêu trộn với các loại gia vị rồi gói vào lá rừng nướng. Nhưng để cảm nhận được vị ngon, sự tinh tuý nhất của rêu thì ta phải ra tận suối hái rêu, sắn cao quần lội xuống dòng Thia trong xanh, mát rượi và lùa tay xuống gầm đá để được làn rêu mỏng mơn man da thịt.
Vào những ngày nắng ấm, các cô gái Thái thường tập hợp thành từng tốp đi hái rêu. Sau khi hái rêu về, người ta để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập rêu nhiều lần cho bung hết tạp chất và rửa sạch không còn sạn, cát. Rêu canh tươi “kinh tàu” thường được nấu với nước xương hầm, nấu vừa chín tới cho gia vị vừa đủ, ăn nóng thì tuyệt ngon. Rêu nộm “tau nửng chụp”, thường nguyên liệu là rêu non, cho vào chõ đồ xôi, trộn cùng muối tiêu, mì chính, gia vị như gừng, mùi, mắc kén (hạt tiêu rừng) xôi chín tới; rêu nướng “cay pho”, rêu rửa sạch trộn cùng gia vị, muối, mì chính, hạt tiêu rừng… rồi lấy lá dong rừng hơ cho mềm gói lại và nướng trên than hồng cho đến khi lá cháy xém là ăn được.
Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc kén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị rừng tỏa khói ngào ngạt riêng có. Rêu nướng sao mà quyến rũ đến lạ! Có lẽ chỉ có ở trong nghệ thuật thứ thiệt của gia vị ẩm thực dân tộc Thái Mường Lò mới cảm nhận rõ cái mát lành, thơm thảo của rêu đá. Món “cay pỉnh” cũng rất thú vị. Rêu và gia vị được gói bằng lá lốt hoặc lá chanh rồi kẹp lại bằng thanh tre tươi đem nướng giòn. Rêu chín bỏ ra cho vào rán với mỡ lợn ăn thì chẳng sơn hào hải vị nào sánh được. Tôi sinh ra ở vùng Trung du, nhưng lại có hơn 20 năm dong duổi ở vùng cao Yên Bái, vậy mà cũng mới có may mắn được ăn món rêu đá, uống rượu rêu nướng có một lần. Không biết có phải rêu đá ở suối Thia gắn với truyền tích của một tình yêu bất tử mà thơm thảo đệ nhất chín bản mười mường của vùng Tây Bắc.
Đến Mường Lò, bạn cũng như tôi sẽ ngẩn ngơ trước cánh đồng xanh huyền ảo, những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong sương mai, thoả chí với suối nóng bản Bon, bản Hốc và nghe những câu chuyện tình nhuốm màu huyền thoại của nàng Ban và chàng Khun, những mối tình lãng mạn của các cô gái TháI, để được thưởng thức bữa cơm mời khách quý của người Thái Mường Lò có canh rau bợ, rau má, cá suối nướng, gà luộc, sôi ngũ sắc và không thể thiếu món rêu đá.
Ngồi trên nhà sàn vừa thưởng thức những món ăn đặc sắc của Mường Lò, lâng lâng men rượu cần và nghe những thiếu nữ Thái xinh tươi, căng tràn sức sống uyển chuyển trong điệu xòe, thiết tha với câu hát: “Xoè đi anh, tay cầm tay múa xoè cùng em/Đêm Mường Lò, chiêng trống nhịp nhàng/Rừng núi âm vang, tay cầm tay múa xoè cùng em… Đêm Mường Lò, trăng đang giăng đầy/Đôi tay ngà đón chờ người ơi/Vào đây anh, xòe đi anh…”, chắc hẳn bạn cũng như tôi lạc quên lối về!
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Nằm bên bờ sông Hồng, cách thị trấn Mậu A (Văn Yên) chừng 41 km theo đường tỉnh lộ 151 là tới Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Nhược Sơn.
YBĐT - Ngày 8/2 (Mùng 6 tết Nguyên Đán), xã Bảo Ái đã đăng cai tổ chức Lễ hội xuống đồng năm Tân Mão 2011 cụm đường 7 Yên Bình.
YBĐT - Nhắc đến vùng đất Ngọc Lục Yên người ta thường nhớ đến mảnh đất có tiềm năng về kinh tế và du lịch với đặc sản ẩm thực có tiếng như: cam sành, khoai tím, cà giòn, hồng không hạt, đặc biệt là thịt gà trống thiến ở các xã Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mai Sơn... huyện Lục Yên vừa thơm ngon nổi tiếng khắp vùng.