Nhớ lễ hội "Nào Sồng"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2011 | 9:04:59 AM

YBĐT - Cùng với lễ hội Gầu Tào, trước đây mỗi mùa xuân đến người Mông còn có thêm lễ hội "Nào Sồng", nhưng do không được gìn giữ, đến nay lễ hội này đang dần bị mai một.

Lễ hội "Nào Sồng" của người Mông tựa như những hội nghị, cuộc họp của một làng, bản để thống nhất những qui định, lập ra hương ước của làng, bản trong ngày xuân. Người Mông kể rằng, Lễ hội "Nào Sồng" trong những ngày đầu năm mới của người Mông thường được tổ chức ở một thôn, bản. Địa điểm thường ở những nhà của người có uy tín như già làng, trưởng bản.

Để tổ chức được lễ hội, vào dịp giáp tết, già làng, trưởng bản triệu tập tất cả các gia đình trong bản đến họp, bàn về khâu chuẩn bị, trong đó có cả phần đóng góp tiền mua trâu, ngựa để mổ làm cỗ và cho người mời các già làng ở thôn, bản lân cận tới dự. Ngày hội đến, mọi người háo hức khoác lên mình bộ áo, váy mới hòa trong tiếng khèn rảo bước tới nhà già làng, trưởng bản để dự hội. Các lễ hội khác, khi bắt đầu vào lễ hội, già làng thường phải làm lễ tế trời đất, nhưng ở lễ hội "Nào Sồng" thì không. Khi mọi người tập hợp đông đủ, già làng đứng lên giới thiệu với mọi người trong thôn về những vị khách đã đến dự, và bắt đầu chủ trì lễ hội.

Nội dung của lễ hội được già làng thực hiện bằng việc nêu ra những qui định của thôn, bản cũng như hương ước của làng. Chẳng hạn về chăn thả gia súc, nếu để gia súc phá nương, rẫy của nhà khác thì phải xử phạt thế nào? Rồi chuyện con trâu nhà ông A chẳng may đánh nhau với trâu nhà ông B một con chết; nếu tính tuổi con bị chết còn ít hơn, khi đánh nhau nó bỏ chạy, nhưng vẫn bị con to đuổi đến chết thì sẽ cân con bị chết lên, nhà có trâu chết sẽ lấy 1/3 thịt, nhà có trâu thắng sẽ lấy 2 phần còn lại và phải trả tiền theo giá trị con trâu đó. Nếu cả hai con trâu bằng tuổi nhau, thì nhà có trâu thắng chịu tiền bằng một nửa con trâu và mang một nửa con trâu về ăn. Nếu không có tiền trả, thì nhà có trâu chết sẽ lấy một con nghé về nuôi...

Cái hay là trong Lễ hội "Nào Sồng" của người Mông cũng lập ra nhiều qui định về ma chay, cưới hỏi. Chẳng hạn như nhà gái không được thách cưới quá 70 đồng bạc xòe, không quá 50 kg lợn hơi, không quá 200 bát rượu… Trong lễ hội còn lập ra nhiều điều lệ qui định về trật tự an ninh, xử lý những người trộm cắp tài sản của nhà khác…

Các qui định đều được già làng, trưởng bản thông qua các gia đình trong thôn, bản dự lễ hội để mọi người cùng bàn bạc, tán thành thì giơ tay biểu quyết. Cứ như vậy hết qui định này đến qui định khác, lễ hội kết thúc bằng một bữa cỗ thịnh soạn, mọi người chúc tụng nhau bằng những ống nứa chứa đầy rượu. Những vấn đề nêu ra trong lễ hội trở thành qui định của thôn, bản, nhà nhà phải thực hiện theo. Cái hay là những già làng ở bản khác tới dự cũng nắm được qui định đó,  về bản thông báo lại cho từng gia đình trong bản mình biết và nhắc nhở mọi người khi sang bản khác tránh không mắc phải.

"Nào Sồng" là lễ hội mang nét văn hóa làng xã, độc đáo, đầy ý nghĩa của người Mông, cần được quan tâm khôi phục và phát huy. Ngày nay, ngay chính trong thế hệ trẻ người Mông rất ít người biết được cha ông họ có một lễ hội mang tính cộng đồng đầy ý nghĩa nhân văn như thế!

Đào Minh

Các tin khác
Ba khách sạn Việt Nam lọt tốp hàng đầu thế giới.

Việt Nam tiếp tục được vinh danh trong danh sách Các khách sạn được đánh giá tốt nhất thế giới của Tạp chí Travel+Leisure (số tháng 3/2011).

Biểu diễn nghệ thuật trong dịp giỗ Tổ năm 2010.

Lễ hội đền Hùng năm nay sẽ diễn ra 6 ngày (5-10/3 âm lịch) với các hoạt động trải dài từ Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) đến các xã, phường vùng ven.

Nghi thức hành lễ tại đền Tuần Quán.

YBĐT - Trong Chương trình Du lịch về cội nguồn 2011 - đền Tuần Quán là một trong những điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách thập phương.

YBĐT - Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc trong cộng đồng người Việt đều có bản sắc văn hóa riêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục