Mặn mà 'gỏi cuốn' mắm sống khoai lang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2011 | 8:22:38 AM

Một miếng lá cách trải ra, gói vào đó một miếng mắm cá sặt, vài cọng rau thơm, chuối chát, khế chua, một nhúm cơm dừa nạo và một miếng khoai lang luộc, cho vào miệng nhai từ tốn, vị ngọt bùi chua chát xông lên, gợi nhớ quê nhà da diết...

Một đĩa mắm sống khoai lang.
Một đĩa mắm sống khoai lang.

Quê tôi ngày xưa (làng Long Tuyền – tỉnh Cần Thơ) là một vùng nông thôn nghèo. Hàng năm, lúa chỉ làm một vụ. Cuộc sống gia đình tôi lúc bấy giờ khá chật vật. Vì làm ruộng xa - khi mùa gặt đến, má tôi phải thức dậy sớm nấu khoai lang, và lấy trên giàn bếp xuống một gáo dừa mắm sặt (mắm ngày xưa bỏ trong chiếc gáo dừa thay chiếc hũ), cùng vài trái chuối sống, khế chua… cho vào thúng mang ra đồng chuẩn bị bữa ăn trưa.

Sau khi gặt xong, cả nhà tìm bóng mát dưới gốc cây bên bờ ruộng để nghỉ ngơi. Má dỡ thúng lấy khoai lang và mắm sống ra xếp trên tấm lá chuối, tôi phụ má xắt khế chua và chuối chát; còn ba thì đi xuống mé ruộng hái vài nắm rau đắng biển, vài đọt cù nèo để ăn kèm. Bữa ăn dọn ra không bát, đũa, đĩa muỗng - chẳng cao lương mỹ vị - đơn giản chỉ có mắm sống, khoai lang và vài loại rau thế thôi! Dùng tay “bốc” củ khoai lang lột vỏ, cặp cùng con mắm sặt với vài cọng rau cho vào miệng nhai thật thú vị vô cùng...

Món ăn đạm bạc, dân dã, mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi xưa tưởng chừng đã mai một và rơi vào quên lãng. Nhưng một hôm, tôi và một người bạn tình cờ vào một quán ăn ở Vĩnh Long bên bờ sông Tiền có món “Mắm sống khoai lang”, ký ức trong tôi chợt ùa về, và tôi gọi ngay món ăn này để thưởng thức.

Con mắm sặt màu xám xịt, mặn chát nằm trong chiếc gáo dừa đen mun ngày xưa, khi ăn phải dùng tay “bốc” và gỡ xương từng con; còn bây giờ nó được đặt trong đĩa sứ sang trọng và được đầu bếp kỹ lưỡng gỡ hết xương, ướp gia vị chanh, đường, bột ngọt, tỏi… có màu vàng ươm thơm phức; phía trên được điểm xuyết vài lát ớt đỏ, thật hấp dẫn.

Xung quanh đĩa được trang trí bằng những mẩu khoai lang luộc chín bóc vỏ, xắt khoanh đủ màu sắc (vàng, trắng, tím…) xếp thành hình tròn rất bắt mắt. Cạnh đó là dĩa rau sống nõn nà, xanh mướt, đầy đủ những thứ “hương đồng cỏ nội” khác như: lá cách, diếp cá, rau thơm, húng quế, dưa leo, chuối chát, khế chua... Kèm theo là một đĩa nhỏ ớt hiểm chín hườm cùng chén cơm dừa rám vỏ nạo trắng ngần như mời gọi... Tôi và bạn cùng nhau cầm đũa thưởng thức ngay, không cần chờ đợi chủ quán hỏi xem thực khách có cần dùng thêm thức ăn gì nữa!…

Lấy một miếng lá cách đặt trong lòng bàn tay trái. Tay phải dùng đũa gắp một miếng mắm cá sặt, vài cọng rau thơm, chuối chát, khế chua, một nhúm cơm dừa nạo và một miếng khoai lang luộc cuốn lại cho vào miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt, bùi của khoai lang, đậm đà của mắm sặt, vị béo của cơm dừa, vị chua của khế, vị chát của chuối, hòa lẫn vị thơm của lá cách, rau sống,… xông lên tận mũi, len vào cổ họng… tạo thành một hợp khúc “chân quê” rất ngon miệng và gợi nhớ quê nhà da diết.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Thành cổ Sơn Tây ngày nay.

Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ - công trình quân sự duy nhất được xây bằng đá ong ở Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít tòa thành, dưới thời Minh Mạng, còn lại đến ngày nay. Năm 1994, thành được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam tại những thị trường nguồn.

So với năm 2010, lượng khách quốc tế Việt Nam tăng 18,4%. Số khách đến trong tháng 8 ước tính 490.000 lượt.

Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược ở khu di tích địa đạo Củ Chi.

YBĐT - Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu và công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, huyện Củ Chi 2 lần được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; khu căn cứ địa đạo Củ Chi được Bộ Văn hoá -Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Mỗi ngôi chợ mang đến cho du khách những cảm giác, trải nghiệm khác nhau. Có nơi buôn bán thâu đêm, có nơi được mệnh danh là "vựa kinh doanh vải vụn lớn nhất".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục