Khám phá các điểm di tích lịch sử
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/9/2011 | 8:40:38 AM
Trong những ngày mùa thu Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các địa danh lịch sử như khu di tích Tân Trào, Điện Biên Phủ, Cao Bằng... đã trở thành sự lựa chọn trong hành trình khám phá điểm đến của không ít người dân.
Khu di tích Tân Trào được nhiều du khách lựa chọn tham quan du lịch.
|
Dù đặt chân đến lần đầu hay đã nhiều lần qua những nơi này, du khách vẫn không khỏi xúc động trước những dấu tích còn lưu trên mảnh đất lịch sử ấy. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử đã bước đầu nhận được sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
Song hành với những tour "lên rừng, xuống biển" quen thuộc, nhiều đơn vị lữ hành đã tung ra không ít tour kết nối các điểm di tích lịch sử, nét mới trong việc xây dựng điểm đến cho một kỳ nghỉ lễ. Tín hiệu đáng mừng là sức hút của những chùm tour tưởng chừng "khô khan" ấy lại không hề thua kém so với những chuyến xuất ngoại hay du ngoạn tại những bãi biển thơ mộng...
Trước sự tăng trưởng không ngờ của vụ thu hoạch cuối cùng trong một mùa hè đầy khó khăn đối với ngành "công nghiệp không khói", ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Trái Tim Việt chia sẻ, dù chịu ảnh hưởng của cơn "bão giá" nhưng du lịch dịp Tết Độc lập năm nay vẫn tỏ ra khởi sắc. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh xây dựng những chùm tour ngắn ngày kết nối các địa danh lịch sử như Sơn La -Điện Biên; Hà Nội - Tuyên Quang - Tân Trào; Cao Bằng - Thác Bản Giốc - Hang Pác Bó - Lạng Sơn... đã mang lại thắng lợi lớn cho kỳ nghỉ lễ cuối hè. Ước tính, lượng khách đăng ký hành trình khám phá các điểm di tích lịch sử dịp này của công ty vào khoảng hơn 3.000 người, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng mừng, như ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, "bên cạnh những đoàn cựu chiến binh về thăm lại "cái nôi" của một thời lịch sử hào hùng, rất nhiều gia đình đưa con em mình đến đây đơn giản vì muốn giáo dục thế hệ trẻ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Đây chính là lý do khiến các điểm di tích cách mạng cũng xảy ra tình trạng "cháy tour".
Hòa chung không khí tưng bừng kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, những điểm di tích như đồi A1, hầm Tướng Đờ Cát, đèo Pha Đin, khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, đường kéo pháo ở Nà Nhạn... trở thành tâm điểm thu hút du khách. Đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Điện Biên cho biết, trong dịp nghỉ lễ, các khách sạn, nhà nghỉ tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên luôn kín phòng. Dù lượng khách đông nhưng tất cả khách sạn, nhà nghỉ ở đây đều phải cam kết thực hiện bình ổn giá, niêm yết công khai giá phòng với mức từ 250 - 300 nghìn đồng/phòng/ngày đêm.
Cũng nằm trong hành trình "về nguồn", khu di tích Tân Trào - "Thủ đô lâm thời khu giải phóng" đang trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang. Riêng trong tháng 8 năm nay, khu di tích này đã đón 40.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan (tăng 10.000 lượt so với những tháng trước đó). Dự kiến, lượng khách sẽ còn tăng đột biến trong những ngày nghỉ Tết Độc lập. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Việt Hưng (quận Long Biên - Hà Nội) cho biết: "Đã nhiều năm liền, cứ đến dịp này, tôi cùng đồng đội lại về thăm mảnh đất lịch sử Tân Trào". Trong số 17 di tích lịch sử nơi đây, lán Nà Lừa, đình Tân Trào và cây đa Tân Trào đã gắn bó với những tháng ngày Bác Hồ sống và làm việc. Mỗi địa danh khiến mỗi du khách đặt chân đến đây được hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc trong những ngày tháng 8 lịch sử.
"Đánh thức" tiềm năng
Nếu như trước đây, những chùm tour đến các địa danh lịch sử thường ít nhận được sự quan tâm của các hãng lữ hành, thì nay hành trình này đã được khai thác nhiều hơn và cũng đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cả du khách trong và ngoài nước.
Mới đây, Công ty Du lịch Newstar Tour cũng cho ra mắt sản phẩm tour du lịch mới "Khám phá hành trình Đông - Tây Bắc". Không chỉ tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh như Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Việt Trì... các sản phẩm của tour du lịch mới còn đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn và khám phá những điểm đến mới như các tuyến điểm du lịch đỏ, du lịch theo dấu chân Bác...
Theo đại diện của nhiều hãng lữ hành ở Hà Nội, cách đây vài năm, hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật ở nhiều điểm di tích lịch sử còn thiếu thốn, giao thông trong tỉnh và nội bộ các khu, điểm còn hạn chế, hệ thống dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Nhưng gần đây, nhiều địa phương đã biết "đánh thức" tiềm năng và khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử của địa phương mình. Họ đã bước đầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, tăng cường quảng bá hấp dẫn du khách. Nhờ có hướng đi đúng, lượng khách đến các địa danh này ngày một tăng. Đơn cử như tỉnh Điện Biên, trong những năm qua đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Còn Tuyên Quang đã tăng cường quảng bá sâu rộng sản phẩm du lịch thông qua việc in, phát hành nhiều tập gấp, sách ảnh, bản đồ du lịch giới thiệu về các khu, điểm di tích… Tỉnh cũng đã quy hoạch tổng thể khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào định hướng đến năm 2020, trong đó tổ chức tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho các hộ gia đình trong xã và hướng dẫn người dân sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như khăn, túi thổ cẩm, hàng mây tre đan... làm quà lưu niệm bán cho du khách.
Về thăm những vùng đất giàu truyền thống lịch sử, tự hào trước những đổi thay ở nơi đây, những "người trong cuộc" càng thấy rõ trách nhiệm cần phải quyết tâm hơn nữa để đưa những khu di tích này không chỉ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Mắm là món trứ danh của người dân Nam Bộ, từ lúc đi mở cõi phương Nam. Không đơn thuần là món ăn dân dã mà mắm còn là sản phẩm văn hóa đặc trưng miền sông nước Nam Bộ. Đến nỗi, sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Ở Nam Bộ có những kỳ thi ăn mắm và đã có người ăn một lúc cả chục cân”.
Đây là món “độc” dùng để đãi khách quý ở các xã miền núi của huyện: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam) và một vài xã ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Một quần thể hang dơi sâu thăm thẳm với nhiều bí ẩn vừa được phát hiện ở Khu du lịch – di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh quốc gia cụm thác Dray Sáp – Gia Long, tỉnh Đăk Nông.
Lên Sơn La-Tây Bắc là đến với xứ sở của hoa ban, vùng núi non hùng vĩ, nơi giữ gìn đa sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với những điệu xòe, điệu múa uyển chuyển, sản sinh ra những truyện thơ tuyệt tác: “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu của dân tộc Thái), “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông, điệu múa “Âu eo,” “Tăng bu” sôi động của dân tộc Khơ Mú, cùng các lễ hội của đồng bào dân tộc chỉ có ở Tây Bắc...