Làm gì để du lịch phát triển?: Chất lượng quảng bá kém

  • Cập nhật: Thứ bảy, 17/9/2011 | 10:19:03 AM

Năm ngoái, tổng kinh phí mà ngành du lịch được phân bổ để quảng bá xúc tiến du lịch là 71 tỉ đồng, nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành, hiệu quả mang lại thấp.

Quảng bá là khâu quan trọng để đưa khách tới VN ngày càng nhiều hơn.
Quảng bá là khâu quan trọng để đưa khách tới VN ngày càng nhiều hơn.

Sân khách, sân nhà đều thua

Gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại Hội chợ - Triển lãm du lịch quốc tế ITE 2011 đang diễn ra ở TP.HCM lọt thỏm giữa các gian hoành tráng của du lịch Campuchia, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Phillipines… Vài tấm ảnh về vịnh Hạ Long, ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, mô hình đơn giản mô phỏng Khuê Văn Các… không thể giúp hình ảnh của du lịch VN trở nên ấn tượng hơn so với các đơn vị bạn. Tài liệu quảng bá du lịch VN hầu như chẳng được tìm thấy ở bên trong. Gian hàng của du lịch VN vắng hoe ngay trên sân nhà.

Lâu nay, ngành du lịch đổ lỗi do kinh phí hạn hẹp, nên khó quảng bá chuyên nghiệp. Vì thế, trong các chuyến quảng bá xúc tiến ở nước ngoài, du lịch VN không thể sánh được với các nước khác về vận chuyển hiện vật (như Trung Quốc có riêng một chuyến bay chở các tượng đất nung nhà Tần để trưng bày) khiến hình ảnh VN sơ sài, đơn điệu. Nhưng những gì đang diễn ra ở ITE 2011 khiến nhiều người bức xúc. Bởi ngay tại sân nhà, với những điều kiện thuận lợi hơn hẳn thì sự yếu kém về quảng bá, thông tin vẫn tái phát.

Ông Akihiro Iizuka, Phó chủ tịch Americantours International (ATI), một trong 5 công ty du lịch lớn nhất ở Mỹ, mỗi năm phục vụ gần 1 triệu khách, thừa nhận có rất ít thông tin về du lịch VN. Ông đã không thể tìm được thông tin về du lịch VN để chuẩn bị cho bài phân tích thị trường trước khi đến VN tham dự ITE 2011. Trong khi theo ông, VN là 1 trong 10 thị trường trọng điểm của công ty và VN cũng là điểm đến được khách Mỹ yêu thích.

VN có đủ điều kiện để thu hút khách Mỹ, nhưng số lượng vẫn chưa xứng với tiềm năng (khoảng 273 ngàn lượt trong 7 tháng đầu năm). Theo ông Iizuka, chủ yếu xuất phát từ những hạn chế trong việc quảng bá, quảng cáo, tiếp thị điểm đến du lịch VN ở Mỹ. Ngoài ra, các yếu tố khách quan khác là giữa VN và Mỹ chưa có đường bay thẳng và đặc biệt chưa có văn phòng đại diện (VPĐD) của du lịch VN ở đây.

Quảng bá đúng cách

Những năm gần đây, Tổng cục Du lịch VN lựa chọn các kênh truyền hình chi phí cao để phát quảng cáo như BBC World News, CNN… với hy vọng tiếp cận được khách thị trường Bắc Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Iizuka, nếu kinh phí quảng bá của du lịch VN hạn hẹp thì không nhất thiết phải quảng cáo ở các kênh này mà dành tiền để triển khai các phương án tiếp thị ít tốn kém khác. Chẳng hạn, tăng cường tổ chức nhiều hơn nữa các road show (tiếp thị ở ngoài đường) tại những thành phố lớn của Mỹ; tham gia các hội chợ du lịch; cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa qua mạng. Ngoài ra, nên tập trung quảng bá ở những thị trường trọng điểm, tránh làm dàn trải, mỗi nơi một vài sự kiện. Đồng thời, cần phải tiếp xúc đúng đối tác, phải là các hãng lữ hành lớn vì họ có nguồn khách lớn.

Hồng Kông là một điển hình, với kinh phí quảng bá xúc tiến rất lớn, vẫn không chọn hình thức quảng cáo tốn kém trên truyền hình. Ông Patrick Kwok, Giám đốc phát triển kinh doanh, Cục Du lịch Hồng Kông chia sẻ: Du lịch Hồng Kông chọn nhiều phương tiện quảng bá hiện đại khác nhau thông qua các mạng xã hội, bản đồ trực tuyến, tận dụng mọi nguồn thông tin trên website… Đặc biệt, phải có chiến lược phát triển từng thị trường cụ thể. Chẳng hạn, khách Nga sẽ chú trọng quảng bá qua radio và quảng cáo ngoài trời; khách Trung Quốc sẽ tập trung vào cộng đồng mạng… Đối với VN (1 trong 10 thị trường du lịch trọng điểm của Hồng Kông trong năm 2011 do lượng khách tới du lịch ngày càng tăng), bước đầu sẽ nghiên cứu thị trường và thành lập VPĐD để cung cấp thông tin thường xuyên, đồng thời giữ vai trò cầu nối; sau đó đưa các đoàn doanh nghiệp lữ hành qua để kết nối với đối tác VN; xuất bản các ấn phẩm giới thiệu Hồng Kông bằng tiếng Việt và dần thiết lập trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt…

Hiện tại, để tăng cường khai thác khách VN, các nước đã mở VPĐD tại TP.HCM như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Vì thế, lượng khách VN ra nước ngoài ngày càng đông. Trong khi đó, ngành du lịch VN lại chưa có một VPĐD nào ở nước ngoài.

Theo ông Đặng Bảo Hiếu, Giám đốc tiếp thị của Công ty du lịch Trọng Điểm, ngành du lịch nước ta lâu nay quảng bá theo kiểu bê nguyên chương trình dành cho thị trường Thái Lan áp dụng cho thị trường châu Âu; sản phẩm dành cho khách Nhật Bản cũng giống như khách Hàn Quốc... nên không hiệu quả. Các chương trình quảng bá cho từng thị trường phải khác nhau bởi nhu cầu, đặc tính ở mỗi nơi không giống nhau.

(Theo TNO)

Các tin khác
Đại Nội Huế, tâm điểm diễn ra các hoạt động VH-TT-DL trong Năm Du lịch quốc gia 2012 khu vực Bắc Trung bộ.

Ngày 15-9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp báo công bố Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ gắn kết với Festival Huế 2012 tại TPHCM. Đây là sự kiện văn hóa có tầm quốc gia và quốc tế được bạn bè thế giới ngưỡng mộ và chờ đợi.

Rừng nguyên sinh Nà hẩu.

YBĐT - Văn Yên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch. Nhiều thắng cảnh đẹp cùng với một bề dày văn hóa lịch sử sẽ là tiền đề cho miền đất này phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong tương lai không xa.

Các loại thực phẩm, nước uống được chế biến từ Sen luôn có sức hấp dẫn riêng nhờ vị thanh nhẹ, phảng phất mùi hương dìu dịu vốn có của loài Sen...

Một góc đảo Phú Quốc.

YBĐT - Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích 567km2, không chỉ nổi tiếng với những đặc sản ngọc trai, hồ tiêu, nước mắm mà đang cuốn hút du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục