Khát vọng Phú quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2011 | 4:07:29 PM

YBĐT - Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích 567km2, không chỉ nổi tiếng với những đặc sản ngọc trai, hồ tiêu, nước mắm mà đang cuốn hút du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú.

Một góc đảo Phú Quốc.
Một góc đảo Phú Quốc.

Rời Rạch Giá, con tàu cánh ngầm của Công ty Vận tải đường thuỷ Kiên Giang rẽ nước ra khơi. Trăm năm mươi cây số lênh đênh trên sóng, một số hành khách đã chếnh choáng say. Riêng tôi, cái thú được khám phá hòn đảo lớn nhất Việt Nam cho tăng thêm sức khoẻ. Lên boong, nhìn ra biển cả mênh mông mà càng thấm thía công lao mở mang, giữ gìn bờ cõi của ông cha. Hai tiếng rưỡi đồng hồ tàu cập cảng Phú Quốc, đảo ngọc với bao cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú đã hiển hiện trước mắt.

Trên xe về nhà nghỉ ở thị trấn Dương Đông, anh Phạm Văn Truyền - hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi biết: “Nằm trong vịnh Thái Lan, phía Tây Nam Tổ quốc, huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang với 22 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích 589,23km2, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567km2. Cái tên Phú Quốc (vùng đất giàu có) là do Mạc Cửu đặt ra khi đến khai phá nơi này. Chiều dài của đảo là 49km, nơi rộng nhất ở phía bắc đảo là 25km và nơi hẹp nhất ở phía nam đảo là 3km. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi, trong đó điểm cao nhất là núi Chúa tới 603m.

Ở Phú Quốc diện tích rừng có đến trên 29.000ha còn gần như nguyên vẹn với sinh cảnh rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng thưa cây họ dầu và nhất là rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Nam bộ. Rồi những bãi biển đẹp như bãi Dương Tơ, bãi Dương Đông, bãi Sao, bãi Khem, bãi Thơm, bãi Đại. Riêng bãi dài ở xã Dương Tơ đã được bình chọn ở vị trí số một trong 5 bãi biển được vinh danh trên thế giới. Những yếu tố trên tạo cho Phú Quốc một giang sơn cẩm tú, một thắng cảnh nên thơ, một điểm du lịch lý tưởng”. Phải thế chăng mà du khách đến với đảo rất đông, ta có, nước ngoài có. Gặp một du khách người thành phố Hồ Chí Minh, ông bảo mấy năm trở lại đây hầu như năm nào cũng bay ra đảo, vừa là để nghỉ dưỡng vừa tìm cơ hội đầu tư vào vùng đất giàu tiềm năng này.

Sự quyến rũ của Phú Quốc chẳng để chúng tôi được nghỉ lâu, ngay buổi chiều đặt chân lên đảo đã thực hiện chương trình thăm quan đúng nghĩa của nó. Bãi biển Dương Tơ, thị trấn Dương Đông, đền Thuỷ long thánh mẫu, Dinh Cậu. Đã đi nhiều nơi thuộc các vùng biển từ Bắc đến Nam, bây giờ mới cảm nhận rõ thế nào là biển bạc. Đâu chỉ những con tàu ngày ngày ra thăm dò bụng biển để mang về đầy ắp cá, những bãi cát dài và phẳng với sóng vỗ ì oạp giữa đại dương mênh mông lại là tiền đề cho ngành “công nghiệp không khói” của mảnh đất này.

Thuận đường trèo lên Dinh Cậu, đó là một ngôi đền linh thiêng được xây dựng trên một bãi đá nổi dài nhô ra biển. Theo truyền thuyết, người dân Phú Quốc sống bằng nghề chài lưới trên biển nên đã có nhiều ngư dân ra khơi đánh bắt gặp sóng dữ mãi mãi không về. Bỗng một ngày nọ, từ dưới làn nước xanh thẳm bên bờ cát trắng nổi lên một ghềnh đá dài nhô ra biển. Cho rằng đây là điềm lành linh ứng, người dân đảo đã xây trên bãi đá ngôi đền thờ thần sông nước, cầu mong được che chở mỗi khi ra biển hành nghề.

Dinh Cậu có từ đó và “Cậu” được xem là vị thần có uy quyền trị vì sông nước, có thể cứu giúp tàu bè khi gặp sóng to gió lớn. Mà đâu chỉ người dân trên đảo mới cầu xin “Cậu” ban cho sự tốt lành, những du khách đủ mọi lứa tuổi đến đây đều một thái độ thành kính trước đấng anh linh. Không chỉ cho riêng bản thân, họ còn cầu cho quốc thái dân an và biển đảo quê hương ngày một phồn vinh, tươi đẹp. Đến với Phú Quốc, nhiều du khách không khỏi thích thú trước vẻ đẹp của ngọc trai đất đảo. Ngọc trai Phú Quốc được xếp trong nhóm ngọc trai đẹp nhất thế giới. Ngọc trai truyền thống có màu trắng sữa, một số quý hiếm có màu đen tuyền, hổ phách.

 Trong vài năm trở lại đây, người dân đảo ngọc đã nhanh chóng nắm bắt những kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai của Úc và Nhật Bản để đưa công nghệ nuôi cấy ngọc thêm một bước tiến mới. Bằng công nghệ hiện đại, con người có thể ép trai sản sinh ra những viên ngọc màu sắc như ý muốn với hình trái tim, hình giọt mưa, vuông, tam giác, hình thoi.... Một viên ngọc trai quý có giá vài chục triệu đồng, thịnh hành nhất là giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng/viên. Trong đoàn, đã không ít anh chị chẳng ngại ngần mở hầu bao mua chuỗi vòng ngọc trai làm đẹp cho mình và mang về tặng người thân.

Vốn tính lãng du, yêu cảnh mến người nên tôi không thể bỏ qua dạo chợ đêm Dinh Cậu. Sở dĩ đặt tên vậy là vì chợ chỉ cách Dinh Cậu khoảng 100m, chiếm trọn chiều dài của đường Võ Thị Sáu. Về đêm, chợ đêm Dinh Cậu là nơi thu hút đông du khách nhất. Họ đến chợ là để mua hàng lưu niệm và dùng bữa tối. Ưu thế vùng biển, nguồn cung hải sản dồi dào, các gian hàng ẩm thực tại đây bán toàn các món ăn đặc sản tươi roi rói hiếm có ở những nơi khác. Từ đường Trần Hưng Đạo rẽ vào Võ Thị Sáu đã có thể ngửi thấy mùi hải sản nướng tỏa khói thơm phức từ lò than đỏ rực đặt trước mỗi gian hàng. Gọi đĩa còi mai nướng, bát sò điệp hấp, tô canh cá bớp nấu chua cùng chai rượu sim đặc sản Phú Quốc là mấy anh em đã có bữa nhậu ngon lành.

Ngước sang mâm bên, đôi trai gái người Tây chắc lần đầu sử dụng đôi đũa nên còn lóng ngóng nhưng miệng lại xuýt xoa như chừng thích thú với món ăn lạ xứ người. Dùng xong bữa tối, đôi chân tiếp tục thả bộ đến các gian hàng lưu niệm với đủ loại đồ thủ công mỹ nghệ chế tác từ gỗ, đá, vỏ ốc, vỏ sò. Mua mấy gói hồ tiêu sọ về làm quà để chứng tỏ chính hãng đặc sản Phú Quốc mà lòng cứ nao nao sao đất nước mình giàu. Cái cảm giác này cứ dâng cao khi hôm sau đi thăm làng chài Hàm Ninh cùng mấy cơ sở làm nước mắm vốn thương hiệu nổi tiếng trong nước và thị trường thế giới.

Giàu đẹp vậy mà một thời Phú Quốc cũng nổi tiếng là địa ngục trần gian. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã xây dựng ở đây trại giam qui mô lớn nhất miền Nam, giam giữ ngót 40.000 tù nhân kể cả tù binh chiến tranh và tù chính trị. Đủ các thứ nhục hình man rợ: "đóng đinh", "chuồng cọp kẽm gai", “ăn cơm nhạt", "lộn vỉ sắt", "đục răng" , “lấy bao bố trùm lên người tù rồi ném vào chảo nước sôi”… Riêng trong thời gian không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973), trại giam tù binh Phú Quốc có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế.

Trong các đợt kiếm tìm mộ liệt sĩ, quân và dân trên đảo còn khai quật được những hố chôn tập thể có đến vài trăm bộ hài cốt. Vừa qua, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tổ chức được cuộc gặp gỡ giữa viên cai ngục khét tiếng gian ác Bảy Nhu với ông Vũ Minh Tằng - người bị bẻ gãy chín cái răng đã như một nhân chứng sống chứng minh cho tội ác tày trời của lũ người mất hết nhân tính phía bên kia chiến tuyến.

Sau giải phóng miền Nam, nghĩa trang liệt sĩ và khu trại giam tù binh Phú Quốc được phục dựng. Năm 1995, khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia. Nơi đây cũng trở thành điểm thăm viếng của các tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cùng khách quốc tế mỗi khi đến Phú Quốc.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho Phú Quốc, Trung ương và tỉnh Kiên Giang đã có quy hoạch đầu tư cho các lĩnh vực: du lịch, giao thông, điện, thuỷ lợi, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

Hàng trăm nhà đầu tư đã vào Phú Quốc và hiện các dự án đầu tư đã phủ kín toàn đảo. Từ thị trấn Dương Đông ngược lên phía bắc hay xuôi về thị trấn An Thới ở phía nam đảo, chỗ nào cũng thấy đất được căng dây đóng cọc; có chỗ công trình đã khởi động với các cỗ máy xúc, ô tô san gạt suốt ngày đêm. Hiện nay hệ thống đường vòng quanh đảo dài 132km với đường trục chính bắc - nam đang được thi công và khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đồng thời mang lại lợi ích to lớn cho người dân trên đảo.

Đáng chú ý là cảng An Thới được xây dựng có thể đón nhận tàu chở hàng cỡ vài chục ngàn tấn. Sân bay Dương Tơ cũng được mở rộng thành sân bay quốc tế hoàn thành vào cuối năm 2012, cùng lúc có thể tiếp nhận được hàng chục máy bay cỡ lớn lên xuống với  lưu lượng 7 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Một tin vui nữa là khi chúng tôi rời đảo về đến đất liền thì nhận được tin ngày 26 tháng 7 năm 2011 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020. Theo đó, huyện đảo Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu hành chính kinh tế trực thuộc trung ương. Cơ hội mới để trong tương lai không xa Phú Quốc sẽ trở thành một vùng kinh tế - văn hoá phát triển trong khu vực, một thành phố biển đảo phồn vinh.

 Thế Quynh 

Các tin khác

Tuy không phổ biến như các loại gỏi, nem cuốn nhưng món bánh tráng cuốn thịt heo đang ngày càng được nhiều người Đà Nẵng yêu thích. Với những người sành ăn, bánh tráng cuốn thịt heo là một sự hòa tấu của vị, sắc và hương.

Bánh giò là loại bánh truyền thống của người Hà Nội. Những người lớn tuổi vẫn gọi bánh giò là loại bánh hiền - thích hợp với trẻ em, người già… vì bánh chỉ làm thuần bằng bột gạo, thịt nạc heo và nấm.

Vịnh Hạ Long - tài sản du lịch của Việt Nam.

Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch 4 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) diễn ra tại TPHCM ngày 13-9, với sự tham dự của Bộ trưởng Du lịch 4 nước. Hơn 200 đại biểu, nhà đầu tư đã họp bàn, kêu gọi đầu tư để kết nối, phát triển du lịch tại các nước tiểu vùng sông Mê Kông - CLMV trở thành một điểm đến chung, “4 quốc gia – 1 điểm đến”.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 127/2011/TT-BTC, quy định mức thu phí tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục